Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu lục trong sóng gió chính trị

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 sắp đi qua này là một mốc thời gian rất đặc biệt đối với châu Âu.

Những gì diễn ra trên châu lục kể từ đầu năm cho tới nay đủ để làm cho cả châu lục bị rung chuyển tận gốc rễ về chính trị, an ninh và xã hội. Sóng gió chính trị dữ dội hiếm khi thấy đã tràn qua châu lục và để lại hậu quả mà hiện tại chưa biết đến khi nào các nước trên châu lục mới có thể khắc phục hết được.

Chiến sự tại Ukraine đẩy châu Âu vào khủng hoảng chính trị an ninh. 
Chiến sự tại Ukraine đẩy châu Âu vào khủng hoảng chính trị an ninh. 

Trước hết là cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nó đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng chính trị an ninh trầm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trong nửa đầu của thế kỷ trước đến nay.

Cuộc chiến này phá vỡ tất cả mọi cơ chế, thể chế và cấu trúc an ninh chung cho cả châu lục mà các nước châu Âu đã cùng nhau gây dựng nên và vốn được coi là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho an ninh và trật tự địa chính trị trên châu lục. Nó làm thay đổi hoàn toàn bản chất và cục diện quan hệ giữa các quốc gia trên châu lục, đẩy EU vào cuộc khủng hoảng năng lượng thật sự nghiêm trọng mà EU chưa tìm ra được lối thoát.

Các nước châu Âu lâm vào tình trạng không tốt đẹp vì trên phương diện phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ lạm phát cao như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Trong dự báo mới đây nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rất bi quan về thực trạng và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng Euro: tăng trưởng kinh tế 3,1% (năm 2021 đạt 5,2%) và năm 2023 giảm tiếp xuống chỉ còn 0,5%.

Năm 2022 là năm rất thành công về chính trị đối với các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Ba bằng chứng có sức thuyết phục và tính xác thực cao nhất là ở Pháp, Thuỵ Điển và Italy. Ở Pháp, tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống nhưng với sự hậu thuẫn chính trị của cử tri suy giảm đáng kể so với trước trong khi phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng thấy.

Năm 2022 là năm rất thành công về chính trị đối với các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu.
Năm 2022 là năm rất thành công về chính trị đối với các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu.

Ở Thuỵ Điển, cánh hữu lần đầu tiên lên cầm quyền với sự hẫu thuẫn của các lực lượng cực hữu và dân tuý cực đoan. Ở Italy, liên minh các đảng phái cánh hữu cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trở thành phe cánh chính trị mạnh nhất. Bà Giorgia Meloni, thủ lĩnh của đảng bị coi là "hậu duệ" của đảng thuộc trùm phát xít Benito Mussolini, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy. Cùng với sự phân rẽ sâu sắc trong nội bộ EU, tương lai chính trị và ổn định, đoàn kết nội bộ EU bị thách thức thật sự nghiêm trọng bởi sự thắng thế đầy ấn tượng của các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Anh cũng góp phần làm cho châu Âu thêm sóng gió về chính trị, cho dù nước Anh trên danh nghĩa chính thức đã ra khỏi EU (Brexit). Đảo quốc này  rối ren về chính trị và xã hội thì châu Âu lục địa làm sao có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy không còn là thành viên EU, nước Anh vẫn là môt bộ phận quan trọng của châu lục, vẫn ràng buộc số phận và tương lai với châu lục, vẫn cùng quyết định mọi chuyện liên quan tới châu lục về chính trị, kinh tế, thương mại, xã hội và an ninh. Nước Anh khủng hoảng chính phủ như thế thì EU làm sao có thể nhanh chóng xử lý được với đảo quốc này mọi vấn đề nan giải và rất nhạy cảm còn tồn đọng liên quan tới Brexit, đặc biệt trong đó có vấn đề hoà bình cho Bắc Ireland. Cả trong chuyện tập hợp lực lượng ở châu lục nhằm hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga cũng tương tự như vậy.

Sóng gió chính trị hiện tại ở châu Âu khiến cho triển vọng chính trị an ninh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hợp tác liên kết và nhất thể hoá châu lục trở nên rất bất định. Châu Âu bây giờ không còn là nơi yên bình và ổn định giữa biến động của thời thế và thời cuộc. Tất cả những điều này đều là điềm báo chẳng tốt lành gì cho châu Âu trong năm tới.