Chạy đua vũ khí siêu thanh: Trung Quốc mới tham dự, Mỹ - Nga cạnh tranh sát nút

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu thanh có khả năng mang hạt nhân lên quỹ đạo hồi tháng 8, trong bối cảnh cuộc chạy đua thế hệ vũ khí tầm xa đang nóng dần lên.

Trong khi đó, Mỹ và Nga đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong những tháng gần đây, còn Triều Tiên hồi tháng trước cho biết đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh mới được phát triển.
Tên lửa siêu thanh là gì?
Tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trong tầng khí quyển - khoảng 6.200 km/giờ. Tốc độ này chậm hơn so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hình dáng nhỏ gọn và linh hoạt cho phép nó dễ dàng tiếp cận mục tiêu cũng như tránh xa các hệ thống phòng thủ.  
 Tên lửa Trường Chinh được phóng đi từ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters
Việc kết hợp phương tiện lướt siêu âm cùng tên lửa để phóng một phần lên quỹ đạo – hay còn gọi là Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS) - có thể bỏ xa các đối thủ về tốc độ phản ứng và cơ chế phòng thủ truyền thống. Ngược lại, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân trên quỹ đạo đạn bay vào không gian nhưng không tiến được vào quỹ đạo trái đất.
Cả Mỹ và Liên Xô đều nghiên cứu FOBS trong Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đã triển khai một hệ thống tương tự vào thập niên 1970 nhưng đã ngừng lại vào giữa những năm 1980. Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có nhiều ưu điểm tương tự FOBS như ít bị phát hiện và khó xác định nơi khởi phát tấn công, đồng thời hoạt động ổn định hơn FOBS.
Ai đang dẫn đầu cuộc đua?
Tờ Financial Times đưa tin hôm 16/10 đưa tin, Trung Quốc đã phóng một tên lửa đẩy mang phương tiện bay siêu thanh bay vào không gian, vòng quanh địa cầu trước khi nhằm vào mục tiêu.  
Vào tháng 7, Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon (Zircon), được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu là một phần của hệ thống tên lửa thế hệ mới. Moscow cũng lần đầu tiên thử nghiệm loại vũ khí này từ tàu ngầm.
Trong khi đó, Mỹ cho biết vào cuối tháng 9 rằng đã thử nghiệm một loại vũ khí siêu thanh có thể tự bay trong khí quyển giống như tên lửa hành trình - đánh dấu vụ thử thành công đầu tiên kể từ năm 2013.
Vài ngày sau tuyên bố của Mỹ, Triều Tiên đã phóng một tên lửa siêu thanh mới được phát triển, miêu tả đây là "vũ khí chiến lược" giúp tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, mặc dù một số nhà phân tích Hàn Quốc cho biết, vụ thử đã thất bại.
Theo Reuters, các vụ thử gần đây là động thái trong một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm, trong đó các quốc gia châu Á nhỏ hơn đang nỗ lực phát triển các tên lửa tầm xa tiên tiến, bên cạnh các cường quốc quân sự. Vũ khí siêu thanh và FOBS có thể là một mối lo ngại do khả năng tránh các lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm. 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần