Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại HTX sản xuất và thương mại Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Trần Việt |
Nhiều bất cập
Đặc thù của nông sản, thủy sản có chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ và theo mùa, do đó đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong dịch vụ logistics. Tuy nhiên, ngành logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nổi cộm nhất là chi phí logistics đắt đỏ. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, chi phí logistics của ngành thủy sản ở nước ta hiện nay là hơn 12%, gỗ và sản phẩm từ gỗ 23%, rau quả và ngành lúa gạo còn lên tới 30%. Chi phí logistics cao khiến giá cả nông sản bị đẩy lên cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này khiến cả nông dân và DN đều thiệt thòi, vì lợi nhuận giảm, khó tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Đỗ Văn Dũng - đại diện Công ty TNHH Dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Dũng Bé (chuyên xuất khẩu thanh long), chỉ tính riêng chi phí vận tải quốc tế bằng đường hàng không cho 1kg thanh long sang Mỹ vào khoảng 3,5 USD/kg. Trong khi, giá thanh long bán cho nhà nhập khẩu Mỹ khoảng 7 USD/kg.
Bên cạnh chi phí đắt đỏ, hiện nay các thiết bị đầu tư của các DN logistics thiếu đồng bộ như máy chiếu xạ, máy hấp nhiệt, túi giữ nhiệt, phần mềm quản lý kho bãi, phần mềm quản lý vận tải… Ngoài ra, DN cũng thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, thiếu hệ thống kho lạnh lưu trữ nông sản chuyên dụng, khiến cho nông sản bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá, thậm chí đổ bỏ nông sản vẫn tiếp diễn.
Ứng dụng công nghệ mới
Những năm gần đây, do nhu cầu sản xuất, lưu thông và xuất khẩu, logistics Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đạt khoảng 14 - 16%/năm, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40 - 42 tỷ USD/năm. Môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ logistics, kết cấu hạ tầng đã được nhiều DN quan tâm, đầu tư. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho rằng, hiện nay hạ tầng logistics tại Việt Nam nói chung còn thiếu đồng bộ, manh mún. Để cải thiện logistics, trong thời gian tới cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá, mở rộng bến bãi kho hàng xếp dỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển logistics, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý khai thác vận tải, ứng dụng công nghệ trong hợp tác phát triển logistics xanh, hình thành mô hình dịch vụ logistics điện tử.