Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Hài lòng: Hà Nội cải thiện vượt bậc

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo thông tin nhanh của Sở Nội vụ Hà Nội chiều nay, 19/4, trong 5 TP trực thuộc Trung ương, Chỉ số Cải cách hành chính năm 2022 của Hà Nội chỉ đứng sau Hải Phòng; trong 11 tỉnh, TP vùng ĐB Sông Hồng thì Hà Nội cũng xếp thứ 3, chỉ sau Quảng Ninh và Hải Phòng.

Sáng nay, 19/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 4, công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) và Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Cùng ngày, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội đã thông tin nhanh về một số nội dung liên quan kết quả các Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội.

Chỉ số CCHC tăng 7 bậc, với 5/8 chỉ số thành phần tăng điểm

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường, Chỉ số CCHC của TP Hà Nội được xác định để đánh giá kết quả CCHC hằng năm của TP, chia theo 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó điểm của Hội đồng thẩm định đánh giá là 68 điểm, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học (ĐTXHH) là 32 điểm (trong đó, điểm đánh giá qua Chỉ số hài lòng là 10 điểm).

Về kết quả chỉ số tổng hợp năm 2022, TP Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nước về Chỉ số CCHC, với 89,58 điểm. So sánh trong 5 TP trực thuộc Trung ương trong 3 năm gần đây, Hà Nội đã có cố gắng vượt bậc, vươn từ vị trí thứ 8 năm 2020 (86,07 điểm), thứ 10 năm 2021 (88,54 điểm) lên vị trí thứ 3 năm 2022 (tăng 1,04% điểm số và 7 bậc so với năm trước).

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, cải cách hành chính tại UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa trong những ngày làm việc sau Tết Quý Mão 2023
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, cải cách hành chính tại UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa trong những ngày làm việc sau Tết Quý Mão 2023

Trong 5 TP trực thuộc Trung ương, Chỉ số CCHC năm 2022 của Hà Nội chỉ đứng sau Hải Phòng (Hải Phòng xếp thứ 2, Hà Nội xếp thứ 3); tiếp đó là Đà Nẵng (xếp thứ 5); TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh lần lượt xếp thứ 26 và thứ 36. So sánh với 11 tỉnh, TP thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, Hà Nội cũng xếp thứ 3 về Chỉ số CCHC năm 2022, chỉ sau Quảng Ninh và Hải Phòng.

Đáng chú ý, trong các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số CCHC năm 2022, TP Hà Nội có 5/8 nội dung tăng điểm so với năm trước, gồm: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ công chức, cải cách tài chính công, tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của TP.

5 năm liên tiếp thuộc nhóm có "Chỉ số Hài lòng bền vững"

Song song với kết quả tăng vượt bậc về Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước - SIPAS 2022 của TP Hà Nội cũng có những cố gắng đáng ghi nhận.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, Chỉ số SIPAS của 63 tỉnh, TP được Bộ Nội vụ triển khai khảo sát, đo lường bắt đầu từ năm 2017 đến 2021, gồm 5 yếu tố (tiếp cận dịch vụ hành chính công; thủ tục hành chính; công chức; kết quả; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị). Nhưng từ năm 2022, SIPAS của Bộ Nội vụ đã bổ sung, thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng, trong đó nội dung đo lường sự hài lòng của người dân tập trung vào 2 khía cạnh là “việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân” và “việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung” (DVHCC).

Công chức bộ phận ''Một cửa'' UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Công chức bộ phận ''Một cửa'' UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân

Mục tiêu là khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính theo nhiệm vụ đề ra tại Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030; đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân và mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên cảm nhận của người dân. Trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước để góp phần mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người dân.

 

Ngày 12/4, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Việt Nam năm 2022 đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố. Tại Hà Nội, UNDP đã tổ chức khảo sát 1.080 người dân tại 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị cấp huyện: Quận Hoàn Kiếm (phường Chương Dương, phường Hàng Trống); quận Đống Đa (phường Hàng Bột, phường Văn Chương); quận Cầu Giấy (phường Nghĩa Tân, phường Quan Hoa); quận Nam Từ Liêm (phường Cầu Diễn, phường Mỹ Đình 1); huyện Phúc Thọ (thị trấn Phúc Thọ, xã Phụng Thượng); thị xã Sơn Tây (phường Ngô Quyền, phường Quang Trung).

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, với điểm tối đa 80 điểm, Hà Nội đã xếp thứ 12/63 tỉnh/TP, với kết quả Chỉ số tổng hợp đạt 43,9, cao nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương. Trong các chỉ số thành phần của PAPI 2022, Hà Nội có 3/8 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “quản trị điện tử”. Từ chỗ xếp thứ 48/63 vào năm 2020, nằm trong “nhóm 4” của cả nước, PAPI của Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, lọt vào “nhóm 1” trong 2 năm gần đây (năm 2021 đứng thứ 9/63 và năm 2022 đứng thứ 12/63).

Với số lượng 2.700 mẫu phiếu phát ra, trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thực hiện khảo sát tại 6 UBND quận, huyện là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ứng Hòa.

Kết quả, Chỉ số SIPAS năm 2022 của TP Hà Nội đạt 80,16%, tiếp tục xếp thứ 30/63 tỉnh, TP (năm 2021 xếp thứ 30/63) và là năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80% - xếp vào nhóm các tỉnh, TP có "Chỉ số Hài lòng bền vững".

So sánh trong 5 TP trực thuộc Trung ương, Hà Nội chỉ đứng sau Hải Phòng (Hải Phòng đứng thứ 2/63, đạt 83,88%; Hà Nội đứng thứ 30/63, đạt 80,16%); Đà Nẵng đứng thứ 34/63, Cần Thơ thứ 36/63 và TP Hồ Chí Minh thứ 43/63.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, dù kết quả Chỉ số Hài lòng của Hà Nội năm 2022 giảm so với năm 2021 song vẫn cao hơn so với Chỉ số Hài lòng chung của cả nước (SIPAS chung cả nước là 80,08%). Nguyên nhân được nhận định do năm 2022, Bộ Nội vụ có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng dẫn đến kết quả Chỉ số SIPAS có khác so với những năm trước đây. Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo tính đại diện, khách quan; Chỉ số Hài lòng được tính là điểm trung bình phần trăm của tất cả các mức điểm phản ánh các mức độ hài lòng của người dân được khảo sát (trước đây, đối tượng lựa chọn trả lời phiếu là những cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết TTHC).  

Đặc biệt, về các tiêu chí, nội dung hài lòng, Hà Nội năm 2022 có 6/11 tiêu chí của Chỉ số Hài lòng đều đạt trên 80%, theo thứ tự từ cao đến thấp: Tiêu chí “mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền” đạt 82,09%; tiêu chí “mức độ hài lòng đối với tiếp cận dịch vụ trong cả nước” đạt 81,84%; tiêu chí “mức độ hài lòng đối với công chức trong cả nước” đạt 81,77%; tiêu chí “mức độ hài lòng đối với TTHC trong cả nước” đạt 81,65%; tiêu chí “mức độ hài lòng đối với kết quả dịch vụ trong cả nước” đạt 81,44%; tiêu chí “mức độ hài lòng đối với việc cung ứng DVHCC nói chung trong cả nước” đạt 81,26%.