RT đưa tin, theo một cuộc thăm dò do Pew Research thực hiện, sự ủng hộ đối với Tổng thống Ukraine Zelensky trên quy mô toàn cầu đã giảm mạnh khi người dân trên 35 quốc gia cho biết họ không mấy tin tưởng rằng vị chính trị gia này đang làm “điều đúng đắn”.
Kết quả của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy khoảng 40% số người được hỏi trả lời rằng chỉ có “một chút” niềm tin vào ông Zelensky liên quan tới các vấn đề thế giới. Mức độ tin cậy được báo cáo là cao nhất ở Thụy Điển (80%), Anh (72%), Hà Lan (66%), Canada (64%) và Nhật Bản (63%).
Trong khi đó, Hungary (83%), Hy Lạp (72%), Tunisia (69%), Mexico (67%), Malaysia (61%), Italia (60%) và Thổ Nhĩ Kỳ (60%) là những quốc gia hoài nghi ông Zelensky nhất.
Bên cạnh đó, đa số những người tham gia cuộc khảo sát, bao gồm 45% ở Ấn Độ và 38% ở Nam Phi và Sri Lanka - không bày tỏ bất kỳ quan điểm nào về Tổng thống Ukraine Zelensky.
“Niềm tin vào ông Zelensky tại một số quốc gia trên thế giới hiện đã giảm đáng kể” - các nhà nghiên cứu Pew Research viết, đồng thời lưu ý rằng ý kiến người dân cũng khác nhau tùy theo hệ tư tưởng chính trị. Ví dụ, theo Pew Research, những người theo chủ nghĩa tự do ở Mỹ “bày tỏ niềm tin vào ông ấy cao hơn gấp đôi so với những người bảo thủ”.
Khi được hỏi về mức độ viện trợ quân sự và những hỗ trợ khác mà Washington dành cho Kiev, khoảng 24% người Mỹ cho rằng khoản hỗ trợ hiện tại “không đủ”, trong khi 31% cho rằng Washington đang cung cấp “quá nhiều”.
Tổng thống Zelensky vẫn nắm quyền ở Ukraine mặc dù nhiệm kỳ của ông đã chính thức hết hạn vào ngày 20/5. Ông Zelensky quyết định không tổ chức bầu cử Tổng thống với lý do thiết quân luật được áp dụng do xung đột với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, tính hợp pháp của ông Zelensky đã “hết hạn”. Ông Putin lưu ý rằng hiến pháp Ukraine không đề cập đến việc đình chỉ bầu cử Tổng thống mà chỉ cấm rõ ràng tổ chức bầu cử Quốc hội, nghĩa là chỉ có nhiệm kỳ của Verkhovna Rada - cơ quan lập pháp quốc gia, mới có thể được kéo dài trong những trường hợp như vậy.
Kiev bác đề xuất ngừng bắn của Thủ tướng Hungary
Tờ The Kyiv Independent ngày 3/7 dẫn phát biểu của Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ihor Zhovkva cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Theo ông Zhovkva, nhà lãnh đạo Ukraine đã lắng nghe đề xuất của Thủ tướng Hungary, nhưng để đáp lại, ông Zelensky nhắc lại quan điểm của phía Ukraine đã được nêu rõ trong Công thức hòa bình.
Trước đó, hôm 2/7, Thủ tướng Orban đã có chuyến thăm đầu tiên đến Kiev kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra và kêu gọi ông Zelensky xem xét lệnh ngừng bắn nhằm "đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình".
Trong một tuyên bố với các phóng viên sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, Thủ tướng Orban cho biết, ông đã đề nghị Tổng thống Zelensky suy nghĩ xem liệu có thể đảo ngược trật tự và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn trước hay không.
Thủ tướng Orban nêu rõ: "Một lệnh ngừng bắn gắn liền với thời hạn chót sẽ mang tới cơ hội đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình. Tôi đã để ngỏ khả năng này với Tổng thống Ukraine và tôi biết ơn những câu trả lời trung thực của ông ấy".
Theo tờ The Kyiv Independent, Ukraine trước đó đã bác bỏ việc tạm dừng chiến sự, cho rằng việc này sẽ chỉ tạo cơ hội cho quân đội Nga tập hợp lại lực lượng của mình.
Thay vào đó, Ukraine đã đề xuất Thụy Sĩ đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu vào tháng 6 vừa qua mà không có sự tham gia của Moscow để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại.
Hồi tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra Công thức hòa bình gồm 10 điểm để giải quyết xung đột với Nga. Trong đó, yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho Kiev.
Phía Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, song với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.
Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình mới về giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Theo đó, Moscow đề nghị Kiev công nhận bán đảo Crimea, Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporozhye thuộc Nga. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.