Chìa khóa cho phát triển bền vững

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững là một trong những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu mang tính cấp bách.

Xuyên suốt quan điểm của Chính phủ là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô luôn được xem là "chìa khóa" để đất nước phát triển kinh tế. Thời gian qua, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhưng ngược dòng với thế giới, Việt Nam đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp, dự báo tăng trưởng trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%.

Tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân tiếp tục phục hồi. Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Những tháng cuối năm 2022 và năm tiếp theo 2023 còn nhiều khó khăn. Đặc biệt chỉ trong hơn 1 tháng qua, tình hình thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mới. Căng thẳng địa chính trị một số khu vực, thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng, giá dầu dù có xu hướng yếu đi, nhưng vẫn rất khó dự đoán, bất ổn tài chính trên thế giới; nguy cơ suy thoái một số nền kinh tế.

Tình hình trong nước chịu áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường... đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Vì vậy, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin. Nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể từng bộ ngành, chủ động nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, DN.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh... đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Những ngày qua, diễn ra hàng loạt các sự kiện như: Thủ tướng chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thú đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay; Hội nghị toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN; Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài; Đặc biệt là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì… với quan điểm: Việt Nam giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự chuyển đổi, xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái, khủng hoảng.

Tất cả đều thu hút sự quan tâm của người dân và cộng đồng DN trong và ngoài nước nhận được sự đồng thuận chung sức, đồng lòng ủng hộ, tham gia tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ổn định kinh tế vĩ mô vừa là một nội dung quan trọng, vừa là điều kiện thúc đẩy cho công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Theo đó, Việt Nam dựa trên 3 cực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu; trong đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như các gói hỗ trợ, kích cầu khác; huy động nguồn lực cả khu vực Nhà nước và tư nhân cho phát triển; đẩy nhanh việc mở cửa thị trường; duy trì ổn định thị trường lao động; tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, khắc phục những điểm nghẽn còn tồn tại - điều kiện quan trọng để mở rộng dư địa chính sách, gia tăng tính chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, và mở rộng các động lực tăng trưởng mới… để Việt Nam tiếp tục lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.