Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chia rẽ Quốc hội - kết quả bầu cử được giới kinh doanh Mỹ ưa thích?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Mỹ, Quốc hội bị chia rẽ hậu bầu cử giữa kỳ được cho là tin tốt cho kinh doanh, bởi việc thiếu toàn quyền kiểm soát sẽ ngăn cản một trong hai bên không ban hành được đạo luật nào có ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Điện Capitol - Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Thủ đô Washington. Ảnh: Tân Hoa xã
Điện Capitol - Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Thủ đô Washington. Ảnh: Tân Hoa xã

Quốc hội bị chia rẽ là một thuật ngữ của chính trường Mỹ, đề cập đến tình huống một hoặc cả hai viện của Quốc hội được kiểm soát bởi một đảng đối lập với đảng của Tổng thống đương nhiệm. Các Quốc hội bị chia rẽ đã khá phổ biến kể từ những năm 1970, gần đây nhất là trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump, khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2018.

Tình huống như vậy nhiều khả năng sẽ tái diễn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 8/11 vừa qua, với việc đảng Cộng hòa đã tiến sát mức tối thiểu để kiểm soát Hạ viện 2 năm tới (218 ghế), sau 24 giờ bỏ phiếu chính thức.

Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa cần ít nhất 51 ghế để giành thế đa số, trong khi đảng Dân chủ chỉ cần bảo toàn 50 ghế là có thể kiểm soát cơ quan này, do Phó Tổng thống Kamala Harris - người thuộc đảng Dân chủ đang giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Tính đến thời điểm viết bài, đảng Cộng hòa đang dẫn trước với 49 ghế và đảng Dân chủ được 48 ghế.

Suzanne Clarke, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, nhóm vận động hành lang hàng đầu của Washington, đánh giá: “Sự chia rẽ sâu sắc của các nhóm cử tri khiến cho các quan chức Mỹ có xu hướng giải quyết những thách thức của quốc gia bằng cách bắc cầu chia rẽ và tạo ra các giải pháp lâu dài”.

Đồng quan điểm, Gary Shapiro - giám đốc điều hành của Hiệp hội Người tiêu dùng công nghệ - chia sẻ trên Twitter cá nhân về bình luận của một đồng nghiệp rằng “người Mỹ cho thấy họ muốn các nhà hoạch định chính sách nghiêm túc, không phải những kẻ chỉ giỏi "nổ"”.

Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số nhỏ trong Hạ viện như dự báo, giới kinh doanh tại Mỹ hy vọng rằng Quốc hội sẽ thúc đẩy những người ôn hòa ở cả hai bên tìm ra tiếng nói chung trong các cuộc tranh luận chính sách.

“Có cơ hội rất lớn cho sự hợp tác giữa hai đảng” - Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld tại Đại học Yale đánh giá, bày tỏ sự lạc quan rằng đa số Hạ viện mới sẽ tập trung vào việc chống lạm phát, kiềm chế các quy định và giám sát các cơ quan chịu trách nhiệm. Thực tế, các đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden lạm quyền, đe dọa kiện một số cơ quan trong năm nay.

Một lĩnh vực có khả năng chịu tác động lớn từ lưỡng đảng là công nghệ. Giáo sư Bruce Kogut của Trường Kinh doanh Columbia nói: “Không thể tránh khỏi một số phản ứng dữ dội về quy định đối với các "ông lớn" công nghệ, và cần ủng hộ cho những nỗ lực như vậy của cả hai bên. Theo ông Kogut, cuộc khủng hoảng tuần này tại sàn giao dịch tiền điện tử FTX có thể kích hoạt luật tiền điện tử bởi lưỡng đảng.

Frank Macchiarola, người đứng đầu chính sách của Viện Dầu khí Mỹ, nhóm vận động hành lang của Big Oil, tin rằng cả hai đảng tại Quốc hội bị chia rẽ vẫn có thể hợp tác với nhau về năng lượng, bao gồm cả việc cho phép cải cách nhằm tăng tốc độ lắp đặt cơ sở hạ tầng mới, từ đường ống đến đường dây tải điện.

Một số nhà vận động hành lang bày tỏ sự nhẹ nhõm khi thấy các ứng cử viên ôn hòa, “ủng hộ doanh nghiệp” đã đạt được kết quả bầu cử tốt hơn những người theo chủ nghĩa dân túy, cho rằng điều này sẽ gửi tín hiệu đến cả hai đảng về việc nên đề cử ai đại diện đảng mình cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành cũng không khỏi lo lắng khi thấy các công ty bị kéo vào “cuộc chiến văn hóa”, liên quan đến loạt vấn đề từ luật phá thai đến chính sách giáo dục. Chẳng hạn, việc bỏ xa đối thủ trong cuộc bầu cử của Thống đốc bang Florida Ron DeSantis được cho đã đến từ những xung đột của ông này với Disney về quyền của người đồng tính, hay với các công ty du lịch tàu biển về việc tiêm chủng Covid-19.

“Ông ấy (DeSantis) là hình ảnh thu nhỏ của sự phân chia rạch ròi mới giữa lợi ích kinh doanh và tinh thần MAGA (Make America Great Again - Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, khẩu hiệu tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ)” - Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld nói.

Theo Financial Times, nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện hoặc thậm chí là cả Thượng viện, các nhà lãnh đạo ngành tài chính như Larry Fink của Tập đoàn BlackRock có thể bị lôi vào các cuộc điều trần thù địch trước các ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo - đặc biệt là về đầu tư môi trường, xã hội và quản trị.

Một mối lo ngại lớn hơn là việc đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát thống nhất tại Quốc hội sẽ báo trước một cuộc tranh cãi khác về trần nợ, giới hạn vay liên bang, thường được dùng làm đòn bẩy chính trị hữu hiệu, nếu không tăng sẽ có nguy cơ vỡ nợ chưa từng có - điều mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới cảnh báo rằng nó sẽ là một “thảm họa”.

Các nhà kinh tế ước tính sẽ cần nâng giới hạn nợ muộn nhất là vào khoảng quý III/2023, thời điểm mà hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng những nỗ lực tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát lúc này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Ben Koltun của hãng tư vấn Beacon Policy Advisors dự đoán rằng áp lực chính trị đối với Fed sẽ tăng lên: “Nếu có một cuộc suy thoái do Fed gây ra, đó không phải là một dấu mốc tốt đẹp gì cho đảng Dân chủ vào năm 2024”. Trong khi Michael Pugliese, một nhà kinh tế tại Wells Fargo, cảnh báo: “Một Quốc hội bị chia rẽ cũng có thể khiến chính quyền Biden hạn chế khả năng cung cấp hỗ trợ tài khóa nếu nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được cho sẽ tăng đáng kể từ mức hiện tại là 3,7%, có thể dẫn đến yêu cầu can thiệp của đảng Dân chủ, đặc biệt nếu mức lạm phát giảm xuống. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa - những người đã cáo buộc Tổng thống Biden thúc đẩy lạm phát bằng cách chi tiêu quá mạnh tay - có thể sẽ chặn một động thái như vậy của phe Dân chủ tại Quốc hội.

Ngoài những đối đầu mang tính truyền thống như vậy, một số giám đốc điều hành cũng lo ngại về một cuộc bầu cử giữa kỳ gây tranh cãi, đặc biệt là sau sự kiện những người ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol vào tháng 1/2021 vì thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống trước ông Biden. Các nhà lãnh đạo công ty đã cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy nhiều đảng viên Cộng hòa từng tuyên bố sai về gian lận bầu cử đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu lần này.

“Chừng nào hệ thống chính trị không hoạt động, các CEO sẽ bị lôi kéo vào bất cứ lúc nào để giải quyết các vấn đề chính trị” - Daniella Ballou-Aares, giám đốc điều hành của một liên minh kinh doanh có tên Leadership Now, nói - “Vì vậy, lợi ích của giới kinh doanh là cần có một hệ thống chính trị ổn định”.