Có diện tích khoảng 105ha, cánh đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là vựa muối lớn nhất miền Trung.
Nghề làm muối tạo sinh kế cho hơn 500 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố của phường Phổ Thạnh là Tân Diêm, Thạch Đức 1 và Long Thạnh 1.
Hằng năm, cánh đồng muối Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 6.000 – 6.500 tấn muối.
Theo các nhà sử học, nghề muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỷ XIX và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh.
Tận dụng thuỷ triều, người dân đưa nước biển vào ruộng, phơi nắng nhiều ngày để nước lắng tạp chất và đạt độ mặn lý tưởng.
Dưới ánh nắng mặt trời, hạt muối dần được kết tinh.
Đồng muối Sa Huỳnh là một trong những nơi hiếm hoi tại Việt Nam còn giữ lối sản xuất truyền thống trên nền đất.
Hiện nghề muối ở Sa Huỳnh đang được gắn với du lịch cộng đồng, kết hợp với một số địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: bãi biển Sa Huỳnh, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh hay làng gốm cổ truyền, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ..., tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
Từ tháng 5/2024 – 10/2025, khu vực này sẽ triển khai dự án “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng" với kinh phí gần 2 tỷ đồng, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ. Dự án sẽ góp phần bảo tồn và nâng giá trị nghề muối truyền thống, gắn với phát triển du lịch để tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân.