Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức người cựu binh Hà Tĩnh

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần bảy thập kỷ trôi qua, âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn mãi khắc sâu trong ký ức của người cựu binh Thái Duy Lược.

Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ

Mỗi độ tháng 5, ông Thái Duy Lược ở xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lại bồi hồi xúc động, nhớ về những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Ông Thái Duy Lược tự hào lưu giữ những bức ảnh thời quân ngũ
Ông Thái Duy Lược tự hào lưu giữ những bức ảnh thời quân ngũ

Chia sẻ với phóng viên, ông Thái Duy Lược tự hào kể lại, đầu mùa Xuân năm 1954 ông lên đường nhập ngũ tại Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (sau này gọi là Sư đoàn 316). Sau một thời gian huấn luyện tại tỉnh Phú Thọ, Sư đoàn 316 được lệnh điều động lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày đó, Sư đoàn 316 là một trong những đơn vị nòng cốt, chủ lực trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Sư đoàn 316 cùng các lực lượng đã tập trung tiến công, tiêu diệt sinh lực địch tại nhiều cứ điểm, như sân bay Mường Thanh, sở chỉ huy Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1...

Hơn 30 năm gắn bó trong quân đội, ông Thái Duy Lược được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quý
Hơn 30 năm gắn bó trong quân đội, ông Thái Duy Lược được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quý

“Là người lính bộ binh căng tràn sức trẻ, hừng hực khí thế tiêu diệt kẻ thù, tôi và đồng đội đã kề vai, sát cánh, quyết tâm bám trụ hầm hào và những vị trí chiến lược quan trọng. Để đảm bảo an toàn, đơn vị đã chia thành từng tốp bí mật đào hầm hào công sự xuyên đêm, tổ chức thám hiểm tiêu diệt địch khi thời cơ thuận lợi” - ông Lược bộc bạch.

Trong rưng rưng hồi ức, ông Lược xúc động kể thêm, trải qua nhiều giai đoạn tiến công gian khổ, hy sinh, quân dân ta giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào ở đồi A1, C1 và các cứ điểm trong khu trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ.

Trong chiến đấu, rất nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khốc liệt. Biến đau thương thành hành động cách mạng, sự hy sinh cao cả đó đã trở thành nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để quân đội ta mở đường tiến công với khí thế ào ạt, nhanh chóng phá tan nhiều tuyến phòng thủ, sào huyệt của địch.  

"Với tinh thần chiến đấu “gan không núng, chí không mòn”, chiều ngày 7/5/1954 quân đội ta và các lực lượng đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, kết thúc thắng lợi vẻ vang trận quyết chiến chiến lược. Giây phút tổng công kích, lá cờ chiến thắng phấp phới tung bay ở chiến trường Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng, niềm tự hào đời lính mà tôi không thể nào quên"- ông Thái Duy Lược cho biết.

Son sắt niềm tin với Đảng

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Với những người lính một thời xông pha nơi tuyến lửa, giây phút mừng vui chiến thắng vẫn mãi khắc sâu vào ký ức. Thắng lợi của chiến dịch khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do của quân dân ta.

Gần 90 tuổi đời, hơn 63 năm tuổi Đảng, dù tuổi cao, sức khỏe ngày một giảm sút, nhưng ông Thái Duy Lược luôn phát huy phẩm chất cao đẹp người lính Bộ đội Cụ Hồ, son sắt niềm tin với Đảng. Hơn 30 năm gắn bó trong quân đội, sau này khi nghỉ hưu trở về quê hương (năm 1985), ông tiếp tục giữ nhiều cương vị công tác ở địa phương, được Nhân dân hết mực tin yêu, quý trọng.

Ông Thái Duy Lược luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng”
Ông Thái Duy Lược luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng”

“Giữa cuộc sống đời thường, ông Lược luôn gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động Nhân dân hiến đất làm đường giao thông, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra ông còn giành nhiều thời gian cho các hoạt động vì nghĩa tình đồng chí, đồng đội, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Song Trường Phạm Văn Thường cho biết.

Còn sức lực hãy còn cống hiến, tuổi cao nêu gương sáng cho mọi người học tập. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông Thái Duy Lược giành hẳn 1 căn phòng lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vào dịp lễ, tết hay những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quê hương, ông đều thành kính thắp hương tưởng niệm, báo công với Bác. 

Những ngày này khắp nơi trên cả nước đang tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hoà vào niềm vui chung đó, ông Thái Duy Lược ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc càng tự hào về những chiến công oanh liệt của ông cùng đồng đội nơi lòng chảo Điện Biên năm xưa. Trải qua bao mùa hoa ban nở, với ông Lược ký ức hào hùng, âm vang chiến thắng Điện Biên mãi luôn là dấu ấn, hành trang cao đẹp của đời lính.