Chiến lược an ninh của ông Biden nhắm vào Nga và Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố chiến lược an ninh quốc gia, chủ yếu nhắm tới Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dài 48 trang được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hôm 12/10, sau nhiều tháng trì hoãn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tài liệu này không thể hiện thay đổi lớn nào trong quan điểm của Mỹ và cũng không đưa ra học thuyết mới nào cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden, mà tập trung vào Nga và Trung Quốc.

Chiến lược an ninh của chính quyền Tổng thống Biden nêu rõ ngay cả sau cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất. Và Mỹ phải giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang, kinh tế với nước này, nếu muốn duy trì ảnh hưởng toàn cầu.  "Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ" - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết khi giới thiệu tài liệu.

Ông Sullivan nhấn mạnh rằng Washington phải quản lý mối quan hệ với Trung Quốc trong khi đối phó với những thách thức toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, chuyển đổi năng lượng và lạm phát.

Theo đài CNBC, trong chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền Tổng thống Biden sẽ ưu tiên ba lĩnh vực quan trọng gồm: Thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao; củng cố vai trò của Mỹ tại các tổ chức quốc tế và liên minh toàn cầu như NATO, và đầu tư để “hiện đại hóa và củng cố quân đội Mỹ”.

Theo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Biden nhận định việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến  dịch quân sự tại Ukraine đã “làm suy giảm sâu sắc vị thế của Nga so với Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ và Nhật Bản”.

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép” Nga đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng ông không nêu cụ thể biện pháp để Washington thực hiện mục tiêu này.

Tổng thống Biden cũng chưa giải quyết được một số cuộc tranh luận quan trọng về chính sách đối ngoại, bao gồm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump thiết lập, và những vấn đề mới xuất phát từ xung đột ở Ukraine, bao gồm xích mích với đồng minh lâu năm Saudi Arabia và sự phụ thuộc của Ấn Độ vào năng lượng Nga.

Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, ông Jack Reed, hoan nghênh việc Nhà Trắng công bố chiến lược an ninh quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh  của quân đội Mỹ.

Trong khi đó, ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định chiến lược tập trung quá nhiều vào Trung Quốc. "Trong suốt 21 tháng xây dựng, chiến lược này rõ ràng đã tập trung quá nhiều vào cạnh tranh với Trung Quốc" - ông Russel nói.

Theo ông Russel, chiến lược an ninh cam kết xây dựng một liên minh lớn giữa các quốc gia để giải quyết các thách thức toàn cầu, song điều này sẽ khó thực hiện được nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Biden từng hoãn công bố chiến lược an ninh quốc gia hồi đầu năm bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine do các quan chức Mỹ chưa rõ các diễn biến của cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi các ưu tiên và dự định của Mỹ như thế nào.

Tuy nhiên, Cố vấn Sullivan cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đã trì hoãn nhưng không làm "thay đổi cơ bản" cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden. "Tôi tin rằng chiến lược này thể hiện rõ quan điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, như tăng cường hợp tác với các đồng minh, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu” - ông Sullivan nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần