Chiến lược an ninh quốc gia mới ở Đức: Riêng trong chung

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến sự ở Ucraine giữa Nga và Ucraine đẩy nhanh tiến độ hình thành chiến lược an ninh quốc gia mới ở nước Đức.

Thông qua thoả thuận thành lập Chính phủ liên minh của các thành viên đảng Xanh, tại Berlin, ngày 6/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)  
Thông qua thoả thuận thành lập Chính phủ liên minh của các thành viên đảng Xanh, tại Berlin, ngày 6/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)  

Trong thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh hồi đầu tháng 12 năm ngoái, ba đảng cầm quyền thỏa thuận sẽ đưa ra chiến lược này trong năm cầm quyền đầu tiên. Bây giờ, ngay trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, hình hài và nội dung cốt lõi của nó đã được Bộ ngoại giao Đức công bố.

Theo đó, đối phó thách thức an ninh từ phía Nga và Trung Quốc được đặt ở vị trí hàng đầu và trên phương diện này, chiến lược an ninh quốc gia của Đức hoàn toàn tương đồng với mục tiêu an ninh chung của EU và NATO. Vẫn đề cao và dựa chính vào NATO, đặc biệt là răn đe hạt nhân, nhưng tăng cường năng lực phòng thủ ở vùng "cánh đông của NATO", tức là ở những nước thành viên NATO gần hoặc giáp Nga. Vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải gây dựng năng lực phòng thủ và an ninh riêng cho EU (để đối phó Nga) và chiến lược riêng nhằm đối phó Trung Quốc. Vẫn là chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng trong EU và ưu tiên cho an ninh mạng.

Trong khuôn khổ và trên nền tảng những cái chung ấy, chính phủ Đức theo đuổi mục tiêu chiến lược riêng là đảm bảo an ninh năng lượng theo phương châm "không vì bớt phụ thuộc vào nước cung ứng năng lượng này là lệ thuộc hơn vào nhà cung ứng năng lượng khác" và mục tiêu chống biến đổi khí hậu trái đất cũng như nâng cao năng lực thật sự của quân đội Đức.

Cái riêng ở đây không mâu thuẫn với cái chung. Nhưng việc đề ra nội dung riêng trong cái chung ấy phản ánh tâm lý không hoàn toàn thật sự tin tưởng vào NATO và EU nên phải coi trọng tự chủ và tự thân vận động trong chuyện đảm bảo an ninh cho riêng mình. Cùng với những quyết sách trong thời gian vừa qua về hậu thuẫn Ucraine, nhiều nội dung riêng trong định hướng chiến lược an ninh quốc gia này của Đức khẳng định chính phủ Đức tiếp tục điều chỉnh căn bản chính sách đối ngoại và an ninh làm cho nước Đức khác biệt hẳn so với trước trên những phương diện chính sách này với tác động rất mạnh mẽ tới EU và NATO.