Chiến lược đi trước hiến pháp

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia mới. Cùng với chiến lược này có hai văn kiện chính sách khác được công bố là Định hướng chương trình quốc phòng quốc gia và Chương trình quốc phòng trung hạn.

Thủ tướng Fumio Kishida trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/12. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Fumio Kishida trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/12. Ảnh: Reuters

Bộ ba văn bản này được coi là dấu ấn riêng của Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida trên lĩnh vực chính sách quốc phòng, quân sự và an ninh, cho dù nội dung cơ bản không có gì mới mẻ mà tiếp tục và kế thừa quan điểm và định hướng chiến lược đã được thể hiện ở thời các chính phủ tiền nhiệm.

Thời điểm chính phủ Nhật Bản công bố những văn kiện chính sách này có liên quan đến ba diễn biến về chính trị an ninh thế giới và khu vực với tác động trực tiếp rất mạnh mẽ tới Nhật Bản trên nhiều phương diện, đặc biệt về an ninh, quân sự và quốc phòng.

Chỉ riêng trong năm 2022 này thôi, Triều Tiên đã rất nhiều lần phóng tên lửa thuộc nhiều chủng loại khác nhau và đã vài lần phóng tên lửa vượt qua không phận của Nhật Bản khiến Nhật Bản lần đầu tiên kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây phải phát lệnh báo động và sơ tán dân chúng. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn hoàn toàn bế tắc ý tưởng giải pháp.

Kể từ khi lên cầm quyền ở Nhật Bản, ông Kishida đặc biệt coi trọng và ưu tiên đối phó những thách thức và đe dọa an ninh cả từ phía Trung Quốc đối với Nhật Bản. Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã đẩy Nhật Bản vào tình thế quan hệ khó khăn và khó xử, thêm căng thẳng và phức tạp bởi Nhật Bản nhập phe Mỹ, EU, NATO và đồng minh phản đối Nga và đối đầu Nga trong khi Nga và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt.

Hơn nữa, những phát ngôn và hành động của Trung Quốc liên quan đến an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và vùng Eo biển Đài Loan tạo ra đủ lý do xác đáng khiến Nhật Bản phải đặc biệt quan ngại, sẵn sàng ứng phó và tăng cường cảnh giác đề phòng.

Cả ba văn kiện nói trên bao hàm sự điều chỉnh chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh của chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh tình hình chung như thế. Sự điều chỉnh này về mức độ và nội dung đều chưa từng thấy có ở Nhật Bản kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai trong thế kỷ trước đến nay.

Trong thực chất, nó cho thấy chính phủ Nhật Bản không còn bám giữ và để bị cương toả nữa bởi các quy định liên quan trong hiến pháp hiện hành khi soạn thảo và đưa ra chiến lược mới này. Có thể thấy rất rõ điều ấy ở việc chiến lược mới chủ trương tăng rất mạnh (cụ thể là tăng gấp đôi) ngân sách quốc phòng và quân sự hàng năm, chủ trương tăng cường thực lực quân sự và quốc phòng không những chỉ để phòng thủ mà còn "phản công", có nghĩa là tấn công vào những nơi bị xác định là nguồn gốc mối đe doạ và thách thức an ninh đối với Nhật Bản. Cả hai việc này đều vượt ra ngoài phạm vi tiết chế của pháp luật hiện hành của Nhật Bản.

Sự khác biệt còn ẩn hiện ở việc xác định đối phó trước hết mối đe doạ an ninh đến từ Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Cho nên, cách tiếp cận của chính phủ Nhật Bản với chiến lược mới này là xác định mục tiêu và định hướng chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh trước để rồi từ đó đặt vấn đề và xúc tiến việc sửa đổi hiến pháp hiện hành, chứ không còn hoạch định chiến lược trong khuôn khổ quy định và ràng buộc của hiến pháp hiện hành. Cách thức đó đề cao nhu cầu hành động hiện tại trên thực tế để biện giải cho sự cần thiết phải sửa đổi hiến pháp hiện hành, tạo áp lực khách quan đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp.

Với sự điều chỉnh chiến lược này, Nhật Bản tự định vị lại về chính trị quân sự, quốc phòng và an ninh không chỉ ở khu vực Đông Bắc Á hay Đông Á mà còn cả ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần