Chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc có trụ vững?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý định theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19 không khoan nhượng, Trung Quốc đang vấp phải tranh cãi về tác động của sách lược này với nền kinh tế về lâu dài.

Chiến lược zero Covid-19 (0 ca mắc Covid-19) đồng nghĩa Trung Quốc phải duy trì việc hạn chế đi lại với các nước, đồng thời áp đặt những biện pháp phong tỏa nghiêm trọng trong nước.
Trung Quốc tự tin rằng công tác ứng phó đại dịch của mình vượt trội so với các nền dân chủ phương Tây và coi đó là thành tựu chính trị lớn. Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ và kinh tế học hàng đầu nhận định rằng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể cần chuẩn bị chuyển sang kịch bản “sống chung với Covid-19” trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian qua, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và xuất khẩu bùng nổ của Trung Quốc đã thúc đẩy niềm tin vào cách tiếp cận ngăn chặn dịch bệnh cứng rắn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vẫn có câu hỏi về sức chịu đựng của nền kinh tế đối với sự cô lập có thể phải kéo dài này, tạo nên gián đoạn ngành dịch vụ.
 Các biện pháp phòng Covid-19 cứng rắn của Trung Quốc gây lo ngại ảnh hưởng kinh tế về lâu dài. Ảnh: SCMP
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 282,66 tỷ USD vào tháng 7, tháng thứ 13 liên tiếp tăng trưởng số đơn hàng xuất khẩu. Năm 2020, nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với hàng hóa cần thiết để vượt qua đại dịch đã khiến nền kinh tế Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỷ lục, với xuất khẩu tăng 3,6% lên 2,59 nghìn tỷ USD.
Li Ling - một giáo sư tại trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc hiện là “trụ cột trong cuộc chiến chống lại đại dịch của thế giới”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, Trung Quốc vẫn cần tuân theo cách tiếp cận không ca Covid-19 (zero Covid-19).
“Virus Corona khác với cảm lạnh thông thường và rất dễ lây lan. Trung Quốc có mật độ dân số lớn, một khi virus lan rộng sẽ gây quá áp lực lớn với sức khỏe người dân và hệ thống y tế”, bà Li cho biết.
Trung Quốc đang trong giai đoạn bùng phát tồi tệ nhất trong nhiều tháng, do biến thể Delta xuất hiện, sau khi một loạt ca nhiễm phát hiện ở Nam Kinh vào ngày 20/7 vừa qua.
Kể từ đó, khi dịch bùng phát lan rộng khắp cả nước, 4 thành phố - Vũ Hán, Nam Kinh, Trịnh Châu và Dương Châu - đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt cho hơn 90 triệu người với chi phí ước tính hơn 100 triệu nhân dân tệ (15,4 triệu USD). Khoảng 850 người đã cho kết quả dương tính, tính đến ngày 11/8 tới, theo dữ liệu của chính quyền địa phương.
Các chuyên gia cho biết, cơ chế xét nghiệm và phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, 2 trụ cột quan trọng đối với phương pháp zero Covid-19 do chính quyền địa phương chi trả, sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền địa phương vốn đang phải vật lộn với nguồn thu tài chính.
Trong nửa đầu năm, chỉ Thượng Hải có thặng dư tài chính, trong khi các tỉnh khác của Trung Quốc đều chi tiêu vượt doanh thu ngân sách. Một số như Vân Nam, Hà Nam và Hồ Nam thâm hụt tài chính vượt quá 238 tỷ nhân dân tệ.
“Chi phí quá cao, một số tỉnh ven biển có thể chi trả, nhưng sẽ là bài toán khó với một số tỉnh nội địa do họ đã khá căng thẳng về tài chính,” Ding Xueliang - một thành viên của Ủy ban Học thuật của Quỹ BoYuan có trụ sở tại Hong Kong cho biết.
“Trừ khi Bắc Kinh có quỹ khổng lồ giúp trang trải chi phí của chính quyền địa phương, cách tiếp cận không khoan nhượng là không thực tế hoặc không bền vững về lâu dài”, chuyên gia Ding nhận định.
Ngoài chi phí xét nghiệm diện rộng gây tốn kém, các nhà kinh tế lo ngại chiến lược zero Covid-19 có thể có những tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế trong những năm tới.
"Việc đóng cửa biên giới do cách tiếp cận (zero Covid-19) sẽ tạm thời và không kéo dài, nếu không, mô hình toàn cầu hóa kinh tế mà Trung Quốc tham gia và đóng vai trò chủ đạo sẽ sụp đổ", Liu Zelandao - Giáo sư kinh tế công nghiệp tại Đại học Nam Kinh ở Giang Tô, cho biết. “Trong điều kiện cực đoan, do Trung Quốc có hệ thống kinh tế quốc dân hoàn chỉnh và hệ thống lưu thông nội bộ mạnh mẽ, nên ngay cả khi ít tiếp xúc với phần còn lại của thế giới, nước này vẫn có thể tự vận hành. Nhưng sự phát triển kinh tế và mức sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.
Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ đóng cửa biên giới ít nhất là đến khi Thế vận hội mùa Đông bắt đầu vào tháng 2/2022, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành trên khắp thế giới hiện nay.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần