Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến sự Ukraine, an ninh lương thực làm “nóng” phiên họp cấp cao Liên hợp quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột quân sự Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dự kiến sẽ là tâm điểm trong chương trình nghị sự của Phiên thảo luận chung cấp cao tại Đại hội đồng khóa 77 vào tuần này.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 sẽ diễn ra từ ngày 20-26/9 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia.

Sẽ có tranh cãi?

Theo hãng tin AP, sau 2 năm tổ chức trực tuyến bởi Covid-19, năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa tập trung tại phòng họp lớn của LHQ tại New York (Mỹ) trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng khóa 77 - sự kiện biểu tượng của hy vọng hòa bình trường tồn sau Thế chiến II.

Ngày 19/9, tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng sẽ khai mạc với buổi thảo luận về vấn đề giáo dục. Sự gián đoạn của việc dạy và học do đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua sẽ có tác động lan tỏa trong nhiều thập niên tới. Từ ngày 20/9, dưới đề mục Thảo luận chung, lãnh đạo các quốc gia sẽ bắt đầu phát biểu cho đến ngày 26/9.

Ông Richard Gowan - Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế của LHQ cho biết, vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực sẽ là hai chủ đề bao trùm và sẽ là sự nhắn nhủ thông điệp từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Vì vậy, phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an LHQ vào 22/9 tới sẽ tập trung vào leo thang căng thẳng ở Ukraine, trong đó Pháp sẽ chủ trì cuộc họp tháng này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, phiên họp cấp cao lần này của Đại hội đồng khó có khả năng đạt tiến triển hướng đến chấm dứt cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Thậm chí Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đánh giá cơ hội để Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình hiện rất thấp.

Theo LHQ, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc, phân bón lớn - đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vốn chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Bên lề phiên thảo luận chung cấp cao, Mỹ dự kiến đồng tổ chức một hội nghị cấp cao về an ninh lương thực với Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi vào ngày 20/9.

Reuters đưa tin, phiên thảo luận trên nhiều khả năng chứng kiến sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc, với Mỹ và các đồng minh phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao với Nga.

Ông Richard Gowan - Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế của LHQ nhận định: “Phiên thảo luận về an ninh lương thực tại Đại hội đồng trong tuần này sẽ chứng kiến sự căng thẳng giữa các nước phương Tây với đại diện các nước châu Phi, bao gồm nhiều vấn đề, từ chương trình vaccine Covid-19, tài trợ khí hậu cho đến giá lương thực.

"Những gì chúng ta cần là hòa bình ở châu Âu, chấm dứt tình trạng đối đầu giữa các cường quốc, và định hình một trật tự thế giới đa phương công bằng hơn và đảm bảo an ninh toàn cầu" - Đại sứ của Kenya tại LHQ Martin Kimani nói hôm 18/9 trước thềm khai mạc phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những tháng gần đây đều có các chuyến thăm châu Phi để tìm kiếm ảnh hưởng. Giới chức Pháp cho biết Tổng thống Macron dự định sử dụng chuyến đi 2 ngày đến New York để vận động các nước ủng hộ phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay với Nga.

Trong khi đó, đại diện Nga tham dự phiên thảo luận chung là Ngoại trưởng Lavrov. Quan chức này đã nhận được yêu cầu tiến hành khoảng 20 cuộc gặp với lãnh đạo các nước tại New York, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Diễn biến trên khiến lãnh đạo LHQ không khỏi quan ngại. Tổng thư ký Guterres cho rằng rạn nứt địa chính trị đang nghiêm trọng và làm tê liệt sự ứng phó toàn cầu đối với một loạt thách thức lớn, như chiến tranh, khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng.

Những phát biểu được trông chờ

Theo thông lệ, Brazil là nước phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng và sau đó là đến Mỹ, nước chủ nhà. Tuy nhiên, năm nay, bởi Tổng thống Joe Biden dự tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bài phát biểu của Mỹ sẽ phải lùi sang ngày 21/9.

Năm nay, ngoài một số cái tên được mong chờ như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Mỹ Joe Biden, những nhà lãnh đạo đáng chú ý khác có tân Thủ tướng Anh Liz Truss, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chỉ cử Bộ trưởng Ngoại giao tới dự phiên họp Đại hội đồng năm nay.

Theo AP, đây là dịp để các nước trình bày chương trình nghị sự, nêu bật quan điểm hoặc kêu gọi hành động, cũng như tiến hành các cuộc họp song phương bên lề để giải quyết vấn đề riêng.

Một ngoại lệ đáng chú ý là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đại Hội đồng LHQ đã bỏ phiếu cho phép nhà lãnh đạo này gửi bài phát biểu được ghi hình trước tới phiên họp, dự kiến được phát ngày 21/9.