Chiến thắng của Triều Tiên ở Thế vận hội mùa đông

Lan Hương (Theo CNN/Washington Post)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng nhận được nhiều thứ mà không mất gì khi tham dự Thế vận hội.

Được nhiều, mất chẳng bao nhiêu
David Maxwell - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown nhận định, bạn sẽ phải ngưỡng mộ những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm. Ông nói với CNN: "Bình Nhưỡng nhận được nhiều thứ mà không mất gì khi tham dự Thế vận hội: họ sẽ có được sự công nhận, tính hợp pháp, các nguồn lực, mà không mất gì cả", ông Maxwell nói với CNN.
Joseph Siracusa - Giáo sư về an ninh con người và ngoại giao quốc tế tại trường RMIT, Australia nhận định, chỉ cần các vận động viên và phái đoàn Triều Tiên xuất hiện như những người bình thường và Hàn Quốc cư xử với họ như những người bình thường, đó là một chiến thắng.
 Cú bắt tay lịch sử của đại diện phái đoàn Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Bình Nhưỡng, ông Siracusa nói thêm, không có gì để mất với canh bạc Olympic. "Đó là một chiến thắng ngoại giao tuyệt vời", ông nói thêm.
Trước thềm Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, cuộc diễu hành của Triều Tiên đã cố ý thu hút sự chú ý của toàn cầu. Sở dĩ như vậy bởi Triều Tiên thường tổ chức các cuộc diễu hành vào tháng 4 để đánh dấu dịp quan trọng như ngày thành lập Quân đội (25/4) và kỷ niệm ngày sinh nhật nhà khai quốc Kim Il Sung (15/4).
Năm ngoái, cuộc diễu binh của Bình Nhưỡng được các chuyên gia đánh giá là có quy mô lớn chưa từng thấy. Cuộc diễu binh cũng có sự tham gia của tên lửa liên lục địa, dấy lên câu hỏi về mức độ tham vọng đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc diễu binh cũng báo trước thời điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm việc phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM và một vụ thử bom Hydro hồi tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, cuộc diễu binh năm nay lại khá ôn hòa, là sự tương phản rõ nét với cuộc diễu binh hồi 4/2017. Mặc dù các ICBM được phô diễn trong cuộc diễu hành nhưng không có công nghệ mới hoặc tên lửa mới nào được giới thiệu.
Seoul đã trải thảm đỏ cho Bình Nhưỡng, mong muốn tránh bất kỳ sự leo thang. Hàn Quốc cũng đồng ý để các vận động viên 2 nước diễu hành cùng nhau dướii một lá cờ thống nhất và hoãn các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.
"Ivanka Trump" của Triều Tiên
Bên ngoài các trận đấu ở Thế vận hội, có một trận đấu vẫn đang diễn ra. Đó là cuộc chiến tuyên truyền giữa Mỹ và Triều Tiên. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chính là người nhận nhiệm vụ “phá hỏng” kế hoạch tuyên truyền về một hình ảnh “bình thường” của Triều Tiên. Thời điểm Phó Tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa đông năm 2018 tối ngày 9/2, ông đã đi thăm đài tưởng niệm Cheonan ở Seoul, nơi trưng bày xác tàu hải quân Hàn Quốc được cho là bị một quả ngư lôi của Triều Tiên tấn công hồi năm 2010. Phó Tổng thống Mỹ cũng có cuộc gặp riêng với 4 người đào thoát khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc và khuyến khích họ chia sẻ câu chuyện ra với thế giới.
 Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cử em gái mình là Kim Yo Jong đến Hàn Quốc. Được so sánh như Ivanka Trump của Triều Tiên, Kim Yo Jong được xem là người sẽ thực hiện chiến dịch tuyên truyền về Bình Nhưỡng ở Hàn Quốc. Đặc biệt, nếu như Kim Yo Jong được cử tới Lễ Khai mạc thì Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cử con gái mình là Ivanka đến dự Lễ Bế mạc.
Khi Olympics đang diễn ra, một cuộc cạnh tranh khác đang diễn ra song song. Điều tiếp theo là bên nào sẽ sẵn sàng cho một vòng đấu khác khi Thế vận hội kết thúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần