Nhiều nước đã kêu gọi quốc tế tăng cường hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar sau vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa lực lượng quân đội và người biểu tình kể từ vụ chính biến diễn ra hôm 1/2.
Người biểu tình tại Myanmar tiếp tục biểu tình trong ngày 1/3 bất chấp hành động trấn áp bạo lực của lực lượng quân đội. |
Các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa lực lượng quân đội Myanmar và người biểu tình diễn ra tại nhiều khu vực của nước này trong ngày 28/2. Lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình tại TP Yangon, sau khi việc sử dụng lựu đạn hơi cay không giải tỏa được đám đông người biểu tình yêu cầu khôi phục chính phủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Hôm nay, lực lượng quân đội Myanmar đã huy động cảnh sát với xe quân sự cùng vòi rồng để trấn áp người biểu tỉnh tại Yangon. Trong khi đó, những người biểu tình tiếp tục tuần hành ở vùng Kale, phía tây bắc Myanmar.
Video phát trực tiếp trên Facebook cho thấy một đám đông đội mũ cứng tụ tập trên một đường ở Lashio, bang Shan, hô vang khẩu hiệu bất chấp cảnh sát can thiệp.
“Đã một tháng kể từ cuộc chính biến xảy ra. Họ đã đàn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng ngày hôm qua. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục tuần hành phản đối cuộc chính biến của quân đội”, thủ lĩnh biểu tình nổi tiếng Ei Thinzar Maung viết trên trang Facebook hôm 1/3.
Myanmar lâm vào tình trạng bất ổn sau khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 1/2, bắt giữ hàng loạt quan chức của chính quyền dân sự, bao gồm cả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Mặc dù các tướng lĩnh quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm cũng như cam kết tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới thay thế cho tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái bị họ cáo buộc có gian lận, các cuộc biểu tình phản đối chính biến vẫn diễn ra rầm rộ ở Myanmar ngày thứ 21 liên tiếp.
Cảnh sát Myanmar dùng nhiều loại vũ khí đối phó người biểu tình phản đối đảo chính ở các tỉnh thành hôm 28/2.
Liên Hợp quốc hôm 28/2 cho biết, ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ đẫm máu nhất tại Myanmar kể từ cuộc chính biến cách đây 1 tháng, đồng thời kêu gọi quốc tế nhanh chóng can thiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án hành động trấn áp bạo lực của lực lượng quân đội Myanmar đối với người biểu tình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau nói rằng việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương đối với người biểu tình là hành động "kinh khủng". 2 quan chức ngoại giao Mỹ và Canada đều kêu gọi quốc tế có phản ứng thống nhất nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Myanmar.
Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc (LHQ) về nhân quyền tại Myanmar, khẳng định rằng cuộc tấn công của chính quyền quân đội Myanmar sẽ tiếp tục, vì vậy cộng đồng quốc tế nên có hành động can thiệp.
Ông Andrews đề xuất áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, bổ sung biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia đối với lực lượng đứng sau cuộc chính biến tại Myanmar, thực thi các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp của quân đội. Đại diện nhân quyền của LHQ cũng đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ đưa vụ việc này lên Tòa án Hình sự Quốc tế. “Những lời lẽ lên án được hoan nghênh nhưng không đủ. Chúng ta phải hành động” ông Andrews nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 28/2.