Chính quyền phục vụ dần rõ nét

Thùy Linh - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 1,5 năm Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây, những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Dễ nhận thấy nhất là bộ máy chính quyền gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy hơn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hướng tới một “chính quyền phục vụ” dần rõ nét.

Giải quyết hồ sơ nhanh gọn

Những ngày cuối năm, Tết Quý Mão đã cận kề, không khí làm việc hối hả tại bộ phận một cửa (BPMC) UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Khá đông người dân lấy số thứ tự để được giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), song các cán bộ công chức (CBCC) vẫn niềm nở phục vụ. Ông Đỗ Thành Dũng (trú tại Khu tập thể Bách khoa) vừa nhận kết quả chứng thực giấy tờ phấn khởi chia sẻ: “Trước kia ra làm chứng thực bản sao để bổ sung hồ sơ, tôi có khi phải đợi vì lãnh đạo UBND phường đi họp chưa ký ngay được. Nhưng hơn một năm nay làm thủ tục này đã thấy nhanh hơn nhiều, người dân có thể nhận kết quả chỉ trong 15 - 30 phút, vì cán bộ chuyên môn có thể ký giấy tờ”. Đây cũng là điều ghi nhận được ở nhiều phường khác trên địa bàn Hà Nội kể từ ngày 1/7/2021 bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH14 và Nghị định 32/2021/NĐ-CP.

Ngay khi có chủ trương này, UBND phường Bách khoa nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy và công tác cán bộ. Đến nay, kết quả nổi bật là bộ máy tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, thực hiện nghiêm làm việc theo chế độ thủ trưởng; bố trí các chức danh CBCC rõ người, rõ trách nhiệm, phù hợp vị trí việc làm cũng như năng lực. Bằng cấp của từng CBCC được rà soát để đảm bảo 100% đủ điều kiện chuyển đổi công chức cơ sở thành công chức hành chính quận quản lý.

Đặc biệt, từ tháng 7/2021, công dân đến BPMC phường thực hiện chứng thực, xác nhận hộ khẩu… đều được trả kết quả ngay, không phải chờ lâu. Với hồ sơ về hộ tịch, quy định hẹn giờ trả kết quả, nhưng công chức Tư pháp thường tiếp nhận, xác minh, trình lãnh đạo ký để trả trước hạn. Với thủ tục chứng tử, công chức cũng được yêu cầu trả kết quả ngay. Lãnh đạo UBND phường Bách khoa cho rằng, có được điều này quan trọng do phường đã triển khai việc Chủ tịch UBND ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch đủ năng lực, phẩm chất thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường với việc chứng thực bản sao theo quy định. Thay vì trước kia, chỉ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường được ký, trong khi số lượng lớn công việc phải giải quyết nên nhiều lúc phải hẹn người dân 1 - 2 tiếng sau mới trả được kết quả.

Sau sắp xếp bộ máy theo mô hình này, công việc ở các phường thuộc quận

 

 Kết quả bước đầu đã chứng minh rõ, tổ chức mô hình chính quyền đô thị là xu thế tất yếu, hướng đi đúng đắn. Cái lợi rõ nhất cho CBCC mà mô hình mang lại là được cập nhật kịp thời văn bản mới, kiến thức công nghệ 4.0, nâng cao nghiệp vụ; làm việc nhanh nhạy, rõ trách nhiệm hơn. Với người dân, cái lợi lớn nhất chính là được giải quyết chế độ chính sách, TTHC nhanh gọn, hiệu quả hơn, bởi chính quyền ngày càng hướng tới phục vụ Nhân dân, lấy người dân làm trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Thị Tuyết Lan

Đống Đa cũng được tiến hành hiệu quả hơn, không bị gián đoạn. Chỉ từ tháng 7/2021 - 6/2022, trong 144.154 hồ sơ chứng thực bản sao tại UBND các phường thì đã có 29.218 hồ sơ do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu UBND phường; trong 13.006 hồ sơ chứng thực chữ ký tại UBND phường thì 3.943 hồ sơ do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực, đóng dấu UBND phường.

"Việc ủy quyền vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho công dân đến làm TTHC, vừa giúp giảm tải công việc cho lãnh đạo UBND phường để tập trung vào nhiệm vụ khác" - Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Vũ Trà Vinh đánh giá. Chuyên viên Phòng Nội vụ quận Trần Tô Hiệu cũng chia sẻ, trước đây, cá biệt một số phường nằm trên tuyến đường lớn, nhiều cá nhân, tổ chức đến làm chứng thực. Lãnh đạo phường phải dành nhiều thời gian ký giấy tờ, ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo chung. Nhưng từ khi thực hiện ủy quyền chứng thực cho công chức Tư pháp - Hộ tịch đã rút ngắn nhiều thời gian giải quyết TTHC, người dân phấn khởi, góp phần nâng cao chỉ số SIPAS trên địa bàn.

Đảm bảo quyền lợi người dân

Thực tế cũng cho thấy, dù không còn tổ chức HĐND ở các phường nhưng quyền dân chủ, giám sát của Nhân dân vẫn được phát huy thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích người dân ngày càng được quan tâm.

Ghi nhận ở quận Long Biên, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các phường có nhiều đổi mới, rõ trách nhiệm cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hằng tháng, UBND phường giao ban với các tổ dân phố, trường học để thông tin tình hình kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề phát sinh. Những cuộc họp có nội dung liên quan quyền lợi hợp pháp của người dân đều được công khai để đảng viên, Nhân dân giám sát việc thực hiện. Lãnh đạo, công chức phường dành nhiều thời gian nắm địa bàn, trao đổi thường xuyên, trực tiếp với cán bộ tổ dân phố và đối thoại với công dân. Các phường cũng duy trì tốt cải cách hành chính, tăng kỷ luật công vụ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn luôn đạt 100%.

Đồng thời, lãnh đạo UBND 14 phường tiếp công dân 727 buổi; tiếp nhận 190 đơn thư, trong đó đã giải quyết 166/190 đơn đến hạn, thuộc thẩm quyền. 17 hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND các phường với Nhân dân đã được tổ chức. Tại đây, Chủ tịch UBND các phường trực tiếp trao đổi, giải đáp ý kiến người dân và trả lời bằng văn bản với những kiến nghị chưa thể giải đáp ngay, báo cáo cấp trên về nội dung vượt thẩm quyền. Qua đó, nhiều vấn đề ở cơ sở được tập trung chỉ đạo giải quyết, góp phần định hướng dư luận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga cho hay, việc vận hành chính quyền đô thị tại phường đến nay đã vào nếp. Dù không tổ chức HĐND cấp phường song quyền dân chủ, giám sát của Nhân dân vẫn được tăng cường bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp thông qua tổ chức chính trị - xã hội. Lãnh đạo phường kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân, thông tin cho báo chí về những vấn đề phát sinh trên địa bàn. “Việc thực hiện chính quyền đô thị phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của CBCC trong phục vụ Nhân dân, lấy Nhân dân làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá CBCC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”- bà Trần Thị Nga nói.

Còn theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố Liên Cơ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) Phạm Văn Tùng, từ khi thí điểm chính quyền đô thị, ông và nhiều người dân phường đều ghi nhận chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC tại phường. Chính quyền kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân. “Vừa qua, tổ dân phố chúng tôi phản ánh một nhà hàng trên địa bàn xả thải gây ô nhiễm khu dân cư, chính quyền lập tức vào cuộc kiểm tra, xử lý, tạm dừng hoạt động nhà hàng này”- ông Phạm Văn Tùng chia sẻ.