Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền Trump sẽ “cấm cửa” công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, hiện có 159 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ với mức vốn hóa thị trường là 1,1 nghìn tỷ USD.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách nhắm mục tiêu vào mối quan hệ của giới đầu tư Bắc Kinh trên sàn Phố Wall và Mỹ, theo hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ.
 Ông Trump tính cấm công ty Trung Quốc niêm yết tại các sàn chứng khoán Mỹ.
Một nguồn tin cho biết, các quan chức Nhà Trắng đang cân nhắc biện pháp các công ty Trung Quốc hủy niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ nếu họ không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán của Washington. Động thái trên có thể là một sự leo thang mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
 "Đây là một vấn đề ưu tiên lớn của chính quyền. Các doanh nghiệp Trung Quốc không tuân thủ quy định về quy trình giám sát và kiểm toán của Mỹ có thể kéo theo rủi ro với nhà đầu tư Mỹ" – nguồn tin cho hay.
Ngoài ra, chính quyền Trump cũng có thể hạn chế các quỹ hưu trí của chính phủ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc.
Một nguồn tin khác cho hay: “Các biện pháp này đang ở giai đoạn đầu và sẽ được xem xét trong ít nhất một tháng vì các nhà lập pháp Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đang gây áp lực đối với chính quyền Trump thực hiện các bước nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ”.
Theo nguồn tin, một trong những người gây áp lực chính trị phải thực hiện động thái này là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - người đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu trong số các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Hiện chưa rõ kế hoạch này có được hiện thực hóa hay không nhưng trang Bloomberg hôm 27/9 dẫn nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Trump đã "bật đèn xanh". Ngoài ra, theo Bloomberg, bên cạnh việc xem xét loại bỏ công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ, Washington cũng sẽ cấm các quỹ hưu trí Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Từ lâu, phe diều hâu tại Mỹ luôn muốn mở rộng của cuộc xung đột kinh tế Mỹ - Trung vào thị trường tài chính và các quan chức có cùng quan điểm trong chính quyền.
Nhà phân tích Michael Pillsbury, một cố vấn của Tổng thống Trump, và là thành viên cao cấp tại Viện Hudson, nói với POLITICO hồi đầu tháng này rằng, biện pháp loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi sàn Phố Wall sẽ giúp Mỹ giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Ông Pillsbury nhận định biện pháp loại bỏ Alibaba hay Tencent khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ là cú đòn nặng giáng vào những tập đoàn Trung Quốc này.
Hiện tại, có 159 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, với tổng giá trị vốn hóa khoảng 1.100 tỷ USD.
Hồi tháng 6, các nhà làm luật Mỹ bao gồm cả Dân chủ và Cộng hòa đã đưa ra một dự luật buộc DN Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý, bao gồm việc truy cập kiểm toán, nếu không sẽ bị buộc hủy niêm yết.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh: "Bắc Kinh không nên tiếp tục cho phép các doanh nghiệp của mình niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trốn tránh tuân thủ các quy định, điều luật của Mỹ về minh bạch và trách nhiệm giải trình".
Giới chức Trung Quốc từ lâu đã không muốn cho các cơ quan quản lý nước ngoài thanh tra các công ty kiểm toán địa phương do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Rubio và Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen hồi tháng 8 cũng đã gửi thư đến ông Michael Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư quỹ hưu trí Liên bang, đề nghị hủy quyết định đầu tư trị giá 50 tỷ USD từ quỹ này vào các công ty Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng việc nguồn đầu tư từ quỹ hưu trí chính phủ Mỹ chủ yếu rót vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến hoạt động gián điệp, vi phạm nhân quyền và các chính sách công nghiệp của Trung Quốc.
 Hiện có 159 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, có tổng giá trị vốn hóa khoảng 1.100 tỷ USD.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn bế tắc trong việc thu hẹp những khác biệt tiến tới đạt một thỏa thuận. Vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10-11/10 tại Washington DC.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) đầu tuần này, Tổng thống Trump chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Ông Trump khẳng định Washington sẽ không tiếp tục nhân nhượng với các hoạt động thương mại của Bắc Kinh và sẽ không chấp nhận một "thỏa thuận tồi tệ" về thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh gần đây đã lặp lại cảnh báo rằng một sự leo thang trong thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phản tác dụng.
Trong bài phát biểu tuần này với các giám đốc điều hành các công ty Mỹ bên lề Đại hội đồng LHQ tại New York, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực mở cửa nền kinh tế.
“Chúng tôi không tin tưởng vào Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trung Quốc không có niềm tin vào ông Trump” David Kotok - chủ tịch và giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết, và nhận định rằng sẽ không có bất kỳ một thỏa thuận thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới ít nhất trong 2 năm tới./.