Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chịu áp lực từ biến thể Delta, giá dầu có tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt gần 3%, còn giá dầu WTI lao dốc gần 4%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021.

Giá “vàng đen” tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng tính chung đã giảm mạnh trong tuần này do nguồn cung dự báo được bổ sung, khi biến chủng Delta có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
 Giá dầu có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021 do lo ngại biến thể Delta ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi nhu cầu. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/7, giá dầu đi xuống do lo ngại tình trạng lây lan của biến thể Delta có thể tác động tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 39 xu Mỹ (0,5%) xuống 75,16 USD/thùng, còn giá dầu WTI mất 46 xu Mỹ (0,6%) xuống 74,10 USD/thùng.
Sang phiên ngày 13/7, giá dầu thế giới đảo chiều tăng gần 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung có thể bị thiếu hụt do bất đồng về sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Trong báo cáo công bố ngày 13/7, IEA cho rằng trong quý III năm nay, lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ có cú giảm mạnh nhất trong ít nhất 10 năm. Theo báo cáo, vào đầu tháng 6, sự sụt giảm mạnh của lượng dầu tồn kho đã được ghi nhận ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Giá dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 2% trong phiên ngày 14/7 sau khi hãng tin Reuters nói rằng Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đạt được thỏa hiệp nhằm mở đường cho việc nới lỏng sản lượng khai thác dầu của OPEC+.
Tuần trước, cuộc họp chính sách của liên minh OPEC+ đã đổ vỡ sau khi UAE yêu cầu nâng sản lượng cơ sở của mình nhưng Ả Rập Saudi không chấp thuận. Vì lý do này, OPEC+ không thể đi đến một quyết định tiếp tục nâng sản lượng dầu như dự kiến.
Sang phiên giao dịch ngày 16/7, giá dầu phục hồi nhẹ nhờ dữ liệu tích cực của ngành bán lẻ của Mỹ. Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 12 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên mức 73,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York cộng 16 xu Mỹg, tương đương 0,2%, đạt 71,81 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 3%, chứng kiến chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI lao dốc 4% trong tuần, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 16/7, thị trường năng lượng phục hồi nhờ được hỗ trợ bởi báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 6 bất ngờ tăng. Mức tăng 0,6% cho thấy nhu cầu hàng hóa vẫn đang tăng mạnh mặc dù chi tiêu của người dân Mỹ bắt đầu dịch chuyển sang  lĩnh vực dịch vụ. Số liệu tích cực này củng cố kỳ vọng của thị trường về sự tăng tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý II.
Về nguồn cung, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ chậm rãi do giá dầu tăng mạnh trong nhiều tháng qua. Theo dữ liệu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan hoạt động của Mỹ trong tuần này tăng thêm 2 giàn, lên 380 giàn - mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 300.000 thùng/ngày trong 2 tuần của kỳ báo cáo mới nhất, đạt 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 9/7. Đây là mức sản lượng dầu thô cao nhất của Mỹ kể từ tháng 5/2020, theo dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Theo nguồn tin từ Reuters, việc Ả Rập Saudi và UAE tuần này đạt đồng thuận sẽ mở đường để OPEC+ tiếp tục tăng  sản lượng khai thác dầu cho tới cuối năm 2022.
Chuyên gia Bob Yawger thuộc Mizuho nhận xét: “Liên minh OPEC+ càng trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua mức sản lượng mới, thì càng chứng tỏ các thành viên trong liên minh muốn được nâng mức hạn ngạch của riêng mình”. Theo chuyên gia Yawger, Iraq cũng đang muốn được nâng mức sản lượng cơ sở như đề xuất của UAE.
OPEC hôm 15/7 dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch, khoảng 100 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu dầu của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều quốc gia do biến chủng Delta có thể dẫn tới việc tái áp đặt lệnh phong tỏa, đặt ra rủi ro đối với những dự báo lạc quan gần đây về nhu cầu dầu mỏ.
Tại Mỹ, hạt Los Angeles sẽ tái áp quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ cuối tuần này. Tại Anh, giới chức y tế nước này hôm 16/7 báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất trong hơn 6 tháng.