Chịu áp lực từ Fed, chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tháng 2

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia dự báo Fed có thể tăng lãi suất lên gần 6%, vì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh và thị trường lao động vẫn thắt chặt.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tháng 2 do lo ngại Fed kéo dài lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tháng 2 do lo ngại Fed kéo dài lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Ảnh: CNBC

Thị trường Phố Wall giảm điểm trong ngày thứ Ba và khép lại tháng Hai ảm đạm, khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ trong một thời gian dài hơn dự kiến.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số Dow Jones lao dốc 232,39 điểm (tương đương 0,7%) xuống còn 32.656,70 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,3% còn 3.970,15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,1% xuống còn 11.455,54 điểm.

Như vậy trong tháng 2, chứng khoán Mỹ lao dốc, với chỉ số S&P 500 sụt 2,61%, Dow Jones giảm 4,19% và Nasdaq Composite mất 1,11%.

Sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào tháng 1, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm vào tháng 2, khi dữ liệu kinh tế và những bình luận từ các quan chức Fed khiến những người tham gia thị trường xem xét lại khả năng Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất cao hơn dự báo và giữ ở mức cao lâu hơn so với đánh giá ban đầu.

Tính chung trong tháng 2, Dow Jones mất 4,19%, còn các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất khoảng 2,61% và 1,11%.

Trước đó, vào tháng 1, chỉ số S&P 500 tăng 6,2%, Nasdaq Composite nhảy vọt 10,7% và Dow Jones thêm 2,8%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh trong tháng 2 đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên sàn Phố Wall. Thị trường lo ngại việc số liệu lạm phát tháng 1 mới được công bố cao hơn dự kiến sẽ thúc đẩy Fed nâng lãi suất lên cao hơn so với kế hoạch trước đây.

Trong phiên 28/2, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,98%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

CNBC dẫn lời ông Jeff Kilburg, nhà sáng lập và CEO của KKM Financial, đánh giá: “Nhiều nhà đầu tư dự báo lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ 10 năm sẽ vượt ngưỡng 4%. Tôi xem 4% là mức trần, nếu lợi suất vẫn ở dưới ngưỡng này thì sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu hồi phục trong tháng 3”.

Theo giới chuyên gia, quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư hiện nay không phải nguy cơ suy thoái toàn cầu, mà là khả năng Fed kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn kỳ vọng.

Phát biểu với Reuters hôm 28/2, chuyên gia Keith Buchanan, Giám đốc danh mục đầu tư tại GLOBALT Investments cho biết, ba hoặc bốn tuần trước, giới đầu tư kỳ vọng về một, thậm chí hai lần cắt giảm lãi suất liên bang trong năm nay và điều đó đã hoàn toàn được định giá ngoài thị trường. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường đã bắt đầu nghĩ về kịch bản Fed tăng lãi suất mạnh ở mức 0,5% vào tháng 3, mặc dù tỷ lệ đặt cược vẫn ở mức thấp khoảng 23%.

Theo ngân hàng UBS, lo ngại về khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất đã tác động tiêu cực đến thị trường cổ phiếu. “Chúng tôi đánh giá rằng nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn cuối chu kỳ, với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại. Chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu hơn của Fed sẽ gây ra những rủi ro đối với thị trường Phố Wall trong ngắn hạn” - nhà kinh tế cấp cao của UBS Brian Rose nhận xét.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt gần 5% trong tháng 2 này. Theo dữ liệu từ Refinitiv, đây là tháng 2 mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này có mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.

Trong một báo cáo đưa ra hôm 28/2, BofA Global Research cho rằng Fed có thể tăng lãi suất lên gần 6%, vì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh và thị trường lao động vẫn thắt chặt buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải kéo dài cuộc chiến chống lạm phát. Trên thị trường lãi suất tương lai, nhà đầu tư đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,25% trong cuộc họp tháng 3 tới, còn khả năng tăng 0,5% là 20%.

Nhận định về Fed, một báo cáo của Citi cho rằng “giới chức Fed đang chờ các đợt tăng lãi suất đã có khiến cho nền kinh tế giảm tốc, nhưng khả năng cao là hiệu ứng tối đa của việc thắt chặt đó đã qua mất rồi”.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần