Chịu áp lực từ tăng trưởng âm của Trung Quốc, giá dầu thế giới lao dốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” tiếp tục đi xuống trong phiên 17/4 sau thông tin nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong quý I/2020 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 1992.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 10 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn 27,72 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5 hạ 1,54 USD, tương đương 7,8% xuống còn 18,33 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu WTI giao tháng tháng 6 giảm nhẹ 3 xu Mỹ, tương đương 0,1%, được giao dịch ở ngưỡng 25,50 USD/thùng.
Giá dầu sụt mạnh trong phiên 17/4.
Thị trường năng lượng chịu tác động bởi thông tin kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 1992, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 làm tê liệt sản xuất và chi tiêu tại nước này. Sự lây lan của dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm dầu thô và qua tinh chế sụt giảm kỷ lục.
Số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một quy trình gồm 3 giai đoạn để chấm dứt tình trạng giãn cách xã hội để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại nước này.
Ông Bjornar Tonhaugen - người đứng đầu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy nhận xét: “Giá dầu suy yếu trong phiên này chủ yếu do số liệu kinh tế u ám của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mặc dù thị trường đã nhận được sự hỗ trợ từ kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế của Mỹ”.
“Tâm lý hứng khởi trên thị trường sau khi Tổng thống Trump thông báo kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ dần lắng xuống khi các thương nhân đánh giá rằng đà phục hồi kinh tế sẽ không diễn ra trong ngắn hạn” - chuyên gia Tonhaugen cho hay.
Cả hai mặt hàng dầu đang hướng đến tuần giảm giá thứ hai liên tiếp, trong đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đang chạm mức thấp nhất trong 18 năm.
Thị trường “vàng đen” chưa thể phục hồi ngay sau khi OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác, còn gọi là OPEC+, đạt được thỏa thuận cắt giảm mạnh nguồn cung ứng năng lượng vào cuối tuần trước. Theo thỏa thuận vừa đạt được, OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdelaziz ben Salmane hôm 14/4 nói rằng OPEC+ có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm tới 19,5 triệu thùng/ngày, thay vì gần 10 triệu thùng/ngày theo thoả thuận đạt được hôm 12/4.
Nhận định về nguồn cung cầu năng lượng, OPEC vừa hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2020 và cảnh báo đây có thể không phải là phiên bản chỉnh sửa theo hướng đi xuống cuối cùng.
OPEC dự kiến nhu cầu năng lượng thế giới sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày thay vì mức tăng nhỏ được dự đoán vào tháng trước, với lý do là do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh đó, tập đoàn năng lượng ConocoPhillips hôm 16/4 thông báo sẽ giảm sản lượng ở Bắc Mỹ khoảng 225.000 thùng/ngày. Đây là mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay của một nhà sản xuất dầu đá phiến để đối phó với tình trạng nhu cầu sụt giảm chưa từng thấy.
Ngân hàng ING ngày 17/4 lưu ý rằng điều này cho thấy sẽ có những quyết định cắt giảm mạnh mẽ từ các nước không thuộc nhóm OPEC+ mà không cần phải một kế hoạch bắt buộc. Thay vào đó, các nước sản xuất dầu mỏ sẽ tự có động thái riêng khi môi trường giá thấp buộc các công ty năng lượng phải cắt giảm sản lượng.
Theo nhà phân tích thị trường Han Tan tại FXTM, với sự hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu có thể phục hồi nhẹ trong tháng 5 trong trường hợp nhiều nước thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.