Chịu sức ép khả năng OPEC nâng sản lượng, giá dầu giảm hơn 1%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh trong ngày 4/6 với dầu WTI đóng cửa ở mức đáy 2 tháng, chịu sức ép bởi dự đoán ngày càng tăng rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ quyết định kiềm chế cắt giảm sản lượng khi nhóm họp vào cuối tháng này.

Trên sàn Nymex, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 7 kết phiên giảm 80 xu Mỹ, tương ứng 1,2%, xuống 65,01 USD/thùng. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá dầu này và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ 9/4, theo số liệu FactSet.
Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,1 USD, tương ứng 1,4% về mức 75,69 USD/thùng tại thị trường London, đánh dấu mức thấp nhất kể từ 8/5.
 Giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp.
Tyler Richey, đồng chủ bút của tờ Sevens Report, nhận định nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong những phiên gần đây là do dự đoán nhiều khả năng OPEC và một số nước sản xuất dầu chủ chốt khác tăng sản lượng khai thác. “Yếu tố khiến dầu suy yếu gần đây là việc các thành viên trong và ngoài OPEC đề cập sửa đổi chính sách sản lượng hiện nay. Khả năng nâng giới hạn sản lượng hiện nay dường như tăng cao vào cuối tháng này, đáng chú ý nhất là Ả Rập Saudi và Nga”, ông Tyler Richey nói.
OPEC và 10 nước phi thành viên do Nga dẫn đầu, đã cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2017. Thỏa thuận này, dự kiến hết hạn vào cuối năm nay, đã giúp giá dầu tăng hơn 40% từ đầu năm ngoái. Phiên họp thường kỳ tiếp theo của OPEC dự kiến diễn ra ngày 22/6 tại Vienna (Áo).
“Chúng tôi có khoảng 18 ngày trước khi nhận được thông báo chính thức về kế hoạch sản lượng dầu của OPEC. Theo tôi, thị trường sẽ giao dịch thận trọng và chờ đợi quyết định từ tổ chức này", Brian Larose, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại ICAP-TA cho biết.
Tuy nhiên, giá dầu Brent đã giảm khoảng 5% kể từ cuối tháng 5 sau khi có thông tin Ả Rập Saudi và Nga đang thảo luận kế hoạch bơm thêm dầu trong bối cảnh nguồn cung có thể giảm tại Venezuela và Iran.
Giá dầu mỏ cuối tháng 4 vượt ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014, chủ yếu là do Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, mở đường cho việc tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Tehran.
Trong phiên này, giá dầu cũng chịu áp lực giảm sau khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của nước này trong tháng 3/2018 tăng 2,1%, lên 10,474 triệu thùng/ngày. Con số này tăng 14,6% so với tháng 3/2017. Ngoài ra, số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tăng thêm 2 chiếc trong tuần trước lên tổng số 861, theo Baker Hughes./.