Giá “vàng đen” giảm xuống dưới mức 25 USD trong phiên này do báo cáo cho thấy lượng dự trữ dầu của Mỹ tăng cao hơn mức dự báo và gia tăng lo ngại tình trạng dư cung toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 1,45 USD, tương đương 5,5%, xuống còn 24,90 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã lao dốc còn 21,65 USD/thùng trong phiên đầu tuần, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 27 xu Mỹ, tương đương 1,3%, xuống còn 20,21 USD/thùng.
Thị trường năng lượng trong phiên này chịu áp lực từ dự trữ dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) càng làm gia tăng lo ngại của thị trường về tình trạng cung vượt cầu.
Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 10,5 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 27/3), vượt xa con số dự báo chỉ tăng 4 triệu thùng của giới phân tích.
Giá dầu WTI và Brent đều chứng kiến quý giảm mạnh kỷ lục và đã mất hơn 50% giá trị trong tháng 3/2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19 và lo ngại tái diễn tình trạng dư cung vì cuộc chiến giá dầu Nga - Ả Rập Saudi.
Trước đó, hồi đầu tháng 3 vừa qua, OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, không đạt được thỏa thuận về cắt giảm nguồn cung, gây ra một cuộc chiến về giá. Nga và Ả Rập Saudi đều tuyên bố tăng tối đa sản lượng dầu mỏ. Mới đây nhất, Riyadh cho biết sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5.
Giá dầu WTI “bay” 54,2% trong tháng 3, tương đương 24,28 USD - mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ tháng 10/2008. Tính chung trong quý I/2020, giá dầu WTI sụt tới 66,5% để ghi nhận quý giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu tháng 6/1988.
Trong tháng 3/2020, giá dầu Brent cũng giảm 55%, nâng tổng mức lao dốc trong quý I lên 65,6% - chứng kiến quý giảm mạnh kỷ lục kể từ tháng 6/1988.
Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư cũng gia tăng quan ngại về sự rạn nứt trong OPEC dẫn đến tình trạng dư cung toàn cầu. Ả Rập Saudi và các thành viên khác của OPEC đã không thể đi đến một thỏa thuận vào ngày 31/3 để tiếp tục nhóm họp trong tháng này nhằm thảo luận về tình hình lao dốc của giá dầu.
Nhà phân tích Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy nhận xét: “Tháng 4 này sẽ là một trong những tháng khó khăn nhất trong lịch sử đối với thị trường dầu mỏ. Nguồn cung dầu trên toàn cầu trong tháng 4 có thể tăng lên mức kỷ lục tới 25 triệu thùng/ngày”.
Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đang phớt lờ đề xuất liên minh với Ả Rập Saudi để kiểm soát thị trường dầu mỏ.