Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống tái diễn dự án chậm triển khai theo quy hoạch: Cần biện pháp mạnh

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực trạng đang tồn tại ở nhiều quận, huyện của Hà Nội, đó là các ô đất đã có quy hoạch nhưng nhiều năm chưa được giao đất hoặc đất đã được giao nhưng lại chậm triển khai thực hiện dự án. Việc này không chỉ làm lãng phí nguồn tài nguyên đất đai mà còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân, gây khó khăn trong công tác quản lý đô thị của chính quyền địa phương.

Hàng trăm dự án chậm triển khai
Từ năm 2014, ô đất tại bờ phải sông Tô Lịch, từ cầu Lủ đến cầu Dậu thuộc địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã được quy hoạch với chức năng sử dụng đất là bãi đỗ xe thông minh kết hợp công viên cây xanh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khu đất vẫn bỏ trống để mặc cây cỏ mọc um tùm và nghiễm nhiên trở thành nơi lý tưởng để các đối tượng đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng.
Bí thư Đảng ủy phường Đại Kim Phạm Hải Bình cho biết, dự án trên cùng với Khu đô thị Tây Nam Kim Giang là hai dự án trên địa bàn phường đã được quy hoạch từ lâu, hiện đã hoàn thành GPMB, đã có chủ trương giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty CP Vimefulland thực hiện. Tuy nhiên đến nay, TP vẫn chưa có quyết định chính thức giao đất cho các đơn vị này thực hiện dự án. Việc chậm giao đất để triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt đã gây áp lực không nhỏ trong quản lý trật tự đô thị cho chính quyền địa phương.
“Mong muốn của chính quyền phường hiện nay là đối với các dự án đã hoàn hoàn thành GPMB, TP sớm có quyết định giao đất chính thức cho chủ đầu tư để thực hiện, tránh tình trạng đất để không lãng phí và tạo dựng cảnh quan đô thị tại những khu vực này” - ông Phạm Hải Bình nêu.
Ô đất tại bờ phải sông Tô Lịch thuộc địa bàn phường Đại Kim được quy hoạch là là bãi đỗ xe thông minh kết hợp công viên cây xanh nhưng từ nhiều năm nay bỏ hoang cho cây cỏ mọc um tùm.
Tại quận Đống Đa, khu đất số 6, phố Đào Duy Anh, được coi là “đất vàng” do Công ty TNHH Việt Anh quản lý đã “bỏ hoang” từ nhiều năm nay. Việc “bỏ hoang” một khu đất rộng gần 2.000m2, tại vị trí đắc địa của Thủ đô, là nơi để các đối tượng đổ trộm chất thải, phóng uế gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Thế nhưng đến nay, khu đất vẫn chưa được bàn giao cho quận Đống Đa để xây dựng trường Mầm non Phương Liên, trong khi trường có diện tích quá nhỏ không đảm bảo điều kiện, chất lượng dạy học.
Ngoài những dự án chậm triển khai do chưa có quyết định giao đất, còn cả trăm dự án lớn nhỏ nằm ở nhiều quận, huyện đã được giao nhưng chưa triển khai gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân sống trong dự án.
Theo kết quả đợt tái giám sát của HĐND TP Hà Nội vừa qua về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai ở một số địa phương trên địa bàn TP cho thấy con số đáng báo động. Tính đến tháng 5/2021 có tới 350 dự án vi phạm, chậm triển khai trên toàn TP. Trong đó, nhóm dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt có 63 dự án; nhóm đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật là 287 dự án.
Phân loại để xử lý
Mặc dù việc thu hồi các dự án “treo”, dự án chậm triển khai được đánh giá là không dễ dàng bởi còn những hạn chế nhất định về mặt khung chính sách pháp luật, vấn đề về thể chế, quản lý chưa có sự đồng bộ. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng có nhiều cách để thực hiện, quan trọng là chính quyền phải làm thật kiên quyết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến là việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.
Về giải pháp, chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Dự án nào chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai cần kiên quyết thu hồi. Dự án nào chậm do thủ tục, quy hoạch, GPMB thì các cơ quan quản lý nghiên cứu quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho DN triển khai kịp tiến độ.
Về phía chính quyền địa phương, để giải quyết dứt điểm tình trạng dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn kiến nghị, với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không có năng lực, TP cần thu hồi để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục liên quan đến giao đất, thu hồi GPMB.
Là địa phương có 8 dự án chậm triển khai đề nghị được gia hạn 24 tháng, tính từ tháng 5/2019, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp kiên quyết  xử lý thu hồi.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra hằng năm các dự án đầu tư có sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật thì triển khai các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý để kết luận chặt chẽ, đúng quy trình, quy định pháp luật đối với từng dự án.
Các dự án chậm triển khai, UBND TP đã chỉ đạo xử lý, nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các nội dung kiến nghị tại Báo cáo số 20 của HĐND TP ngày 28/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 2622/UBND-ĐT, giao Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành: KH&ĐT, QH - KT, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế TP Hà Nội, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND TP rà soát, xử lý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả.