Chủ nợ xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép có bị xử lý?
Câu hỏi
Bố tôi vay nợ có mang sổ đỏ nhà ở ra để thế chấp. Nay đến hạn thì chủ nợ đến đòi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Vậy hành vi xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép của chủ nợ có vi phạm pháp luật, bị xử lý gì không? Trường hợp tôi là chủ nhà thì phải làm thế nào?
Trả lời
Tại Điều 22 Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh, mọi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được sự đồng ý…
Có thể hiểu, chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó cho phép.
Hành vi xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép có thể gồm: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Hiện nay, chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên theo điểm c khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân có thể bao gồm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nếu vi phạm sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Và cũng theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với trường hợp tài sản là nhà, chỗ ở thì người nào có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự, hành vi xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép có thể bị xử lý với mức tù lên đến 5 năm tù. Mức hình phạt cụ thể căn cứ vào hành vi, tính chất mức độ, hậu quả và các tình tiết liên quan khác đến vụ án.
Trường hợp này nếu bạn là chủ nhà mà phát hiện ra hành vi xâm chiếm, vào nhà bạn bất hợp pháp thì trước mắt, bạn quay video làm bằng chứng, yêu cầu những người chiếm giữ ra khỏi nhà. Nếu họ ngoan cố, bất chấp pháp luật, bạn có thể trình báo và tố giác toàn bộ sự việc ra cơ quan công an nơi có bất động sản; đồng thời phải hết sức giữ bình tĩnh chờ cơ quan pháp luật giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Khởi tố một nữ giám đốc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Kinhtedothi - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và khám xét chỗ ở đối với Ngô Thị Hồng Vân (SN 1976), Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Thanh Vân về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Tháo dỡ công trình xây dựng trái phép xâm phạm thắng cảnh du lịch Bàu Trắng
Kinhtedothi - Thắng cảnh Bàu Trắng thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào tháng 9/2019. Thời gian qua, thắng cảnh nổi tiếng này đã xuất hiện công trình xây dựng trái phép, chính quyền địa phương buộc phải tháo dỡ.

Facebook là ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư của người dùng nhiều nhất
Kinhtedothi - Hai ứng dụng của Meta là Facebook và Instagram là xâm phạm quyền riêng tư của nhiều người nhất khi theo dõi tên, địa chỉ email, địa chỉ thực của họ.