Chưa dứt nỗi lo khủng hoảng ngân hàng, chứng khoán Mỹ trượt dốc không phanh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên 17/3 khi giới đầu tư bán tháo nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vì lo ngại tình trạng sức khỏe của ngành tài chính Mỹ. 

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên ngày 17/3. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên ngày 17/3. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 1,19% xuống còn 31.861,98 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% còn 3.916,64 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 0,74% xuống 11.630,51 điểm.

Cổ phiếu Ngân hàng First Republic tiếp tục lao dốc gần 33%, nâng tổng mức giảm trong tuần lên 72%. Trong phiên ngày 16/3, cổ phiếu của ngân hàng này đã hồi phục khi một nhóm ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ First Republic 30 tỷ USD tiền gửi nhằm vực dậy niềm tin của hệ thống ngân hàng.

Phiên giảm điểm mạnh trong ngày 17/3 đã gây áp lực lên chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF, khiến chứng chỉ quỹ này giảm 6% trong phiên và mất 14% trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse niêm yết tại Mỹ cũng sụt gần 7% khi các nhà giao dịch phân tích kỹ hơn về thông báo Credit Suisse sẽ vay 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Tính cả tuần, cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ đã bốc hơi 24%.

Mặc dù giao dịch ảm đạm ở phiên cuối tuần, tính chung trong tuần, chỉ số S&P500 vẫn tăng 1,43%.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 4,41% trong tuần qua khi giới đầu tư đặt cược vào cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào tuần tới. Đây là tuần tăng tốt nhất kể từ ngày 13/1 đối với chỉ số thiên về công nghệ này. Tuy nhiên, phiên giảm điểm hôm thứ Sáu khiến Dow Jones khép tuần mất 0,15%.

Cổ phiếu ngân hàng trong những ngày gần đây được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh lo ngại những ngân hàng khác có thể đối mặt với tình trạng tương tự như Ngân hàng Silicon Valley và Signature, hai nhà băng đã phá sản trong tuần trước.

Thị trường cũng phản ứng với những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực này sau khi các nhà quản lý tài chính Mỹ cho biết vào cuối tuần trước rằng họ sẽ can thiệp vào tiền gửi ở hai ngân hàng này.

Thông cáo chung ngày 13/3 của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Fed và Bộ Tài chính Mỹ cho biết tất cả tiền gửi trong hai ngân hàng này đều được bảo hiểm.

Theo nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của Globalt Investments, trong phiên ngày thứ Sáu, tâm lý thận trọng cũng gia tăng trước khi Phố Wall bước vào một kỳ nghỉ cuối tuần có thể có nhiều diễn biến trong cuộc khủng hoảng ngân hàng. Chuyên gia lưu ý thêm rằng trong hai ngày cuối tuần, mọi người sẽ bị ám ảnh bởi câu hỏi: Đến thứ Hai, mọi việc sẽ thế nào? Nhà đầu tư không muốn nắm giữ cổ phiếu trong bối cảnh như vậy.

Bên cạnh đó, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp sắp tới của Fed diễn ra ngày 21-22/3. Câu hỏi đặt ra là liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có tiến hành tăng lãi suất ở mức 0,25% như dự kiến hay không trong bối cảnh thị trường cổ phiếu đang chịu áp lực từ khủng hoảng ngân hàng.

CNBC dẫn lời ông Aoifinn Devitt, Giám đốc đầu tư tại Moneta, nhận định: “Dường như Fed chỉ tuyên bố trấn an rằng họ đã hiểu rõ những rắc rối hiện tại của ngành ngân hàng. Tình hình về căn bản chẳng có gì thay đổi cả, ngoài việc những chuỗi sự kiện ngân hàng gần đây đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Dù vậy, biến động vẫn chưa lan ra các ngân hàng khác”.

Nick Timiraos - phóng viên kinh tế của tờ The Wall Street Journal nói rằng, khả năng Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hay không tại cuộc họp chính sách vào tuần tới có thể phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo của lĩnh vực ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần