Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Á ảm đạm khi Mỹ -Trung bế tắc trong đàm phán thương mại

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/5 do tâm lý thận trọng về khả năng Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Chỉ số chứng chứng khoán tương lai của Mỹ tại thị trường châu Á và chứng khoán châu Á tụt dốc trong phiên giao dịch đầu tuần này trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột thương mại đang leo thang hay không.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bắt đầu tăng nhiệt trở lại từ ngày 10/5, với việc Mỹ chính thức tăng thuế  từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi ông Trump nói rằng Bắc Kinh đã phá vỡ việc đạt một thỏa thuận bằng cách từ bỏ các cam kết trước đó. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa gói thuế quan mới từ Washington, song không đưa ra chi tiết.
 Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 13/5.
Vòng đàm phán thương mại thứ 11 Mỹ-Trung khép lại trong ngày 10/5 mà không có một thỏa thuận thương mại. Các cuộc đàm phán vẫn diễn ra mặc dù ông Trump thực hiện nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số tương lai E-Mini của S&P 500 giảm 1,0%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản sụt 0,4%, gần sát mức thấp nhất trong 2 tháng ghi nhận trong phiên 9/5.
Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc, trong đó chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 lần lượt giảm 1,4% và 1,6%, trong khi thị trường tài chính Hồng Kông(tiếp tục đóng cửa  nghỉ lễ.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng hạ tới 1,0%, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/3.
Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 2,441% do tâm lý lo ngại cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ gây áp lực lớn hơn đối với tăng trưởng toàn cầu, vì vậy các ngân hàng trung ương lớn phải có động thái để hỗ trợ.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 12/5, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Trung Quốc đã rút lại các cam kết – vốn là điều khiến ông Trump quyết định nâng thuế. Ông đề cập tới đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc là những vấn đề khó giải quyết.
“Mọi thứ dường như diễn ra quá lâu và chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ bước lùi nào nữa”, ông Kudlow nói. “Chúng tôi không nghĩ Trung Quốc đã đi đủ xa, chúng ta sẽ chờ và theo dõi xem”.
Cố vấn Kudlow cũng nói rằng gói thuế quan mới của Mỹ sẽ được giữ nguyên trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn tiếp tục.

Trong ngày 11/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc phải “hành động ngay” về thương mại, nếu không thì sẽ phải đối mặt với thỏa thuận tồi tệ hơn rất nhiều sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
“Các cuộc đàm phán thương mại vẫn tiếp tục diễn ra, song trọng tâm với chúng tôi là kết quả không tiến triển và kế hoạch trả đũa thuế quan của Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy một rủi ro đáng kể là tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế trong tháng tới hoặc lâu hơn”, Michael Hanson – phụ trách chiến lược vĩ mô toàn cầu tại TD Securities, nhận xét.
Nhà phân tích Hanson cho hay: “Phản ứng của thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc và Mỹ có tiếp tục đàm phán hay không, liệu số hàng hóa nhập khẩu trị giá 325 tỷ USD còn lại từ Trung Quốc  có bị đánh thuế hay không, và Trung Quốc sẽ trả đũa như thế nào và điều gì xảy ra với thuế ô tô theo điều khoản 232”.
Ông Hanson cho rằng nếu theo kịch bản đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có khả năng trượt dốc từ 5% -6% so với đồng USD trong 3 tháng tới.
Trong phiên này, đồng NDT tại thị trường nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng, hiện ở mức 1 USD đổi được 6,88 NDT. Tỷ giá đồng NDT đã giảm 0,4% xuống mức 6,872 NDT trong phiên trước đó.
So với đồng yen Nhật, tỷ giá đồng USD được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 109,74 yen, giảm 0,2% và gần chạm mức đáy 14 tuần là 109,46 yen./.