Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều lao dốc trong phiên giao dịch này mặc dù chính quyền Trung Quốc đã dỡ bỏ một số hạn chế hoạt động sản xuất nhằm phòng chống virus corona lây lan. Tuy nhiên, tâm lý các nhà giao dịch trên thị trường cổ phiếu vẫn lo ngại khi số người chết vì dịch bệnh viêm phổi do virus corona tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu mới nhất, tính đến tối ngày 9/2, đã có hơn 900 người thiệt mạng do virus corona, trong đó phần lớn các trường hợp tử vong mới được xác nhận tại TP Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh viêm phổi do virus corona.
Để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu nhiều DN tại tỉnh Hồ Bắc ngừng hoạt động sản xuất, hủy các chuyến bay và đóng cửa các trường học ở nhiều TP tại tỉnh này.
Tuy nhiên, từ ngày 10/2, các công nhân tại một số TP của Trung Quốc đã bắt đầu quay trở lại văn phòng và nhà máy, mặc dù một số lượng lớn các cơ quan vẫn đóng cửa và nhiều nhân viên văn phòng sẽ tiếp tục làm việc tại nhà.
Một nguồn tin quen thuộc tại Trung Quốc tiết lộ với Reuters hôm 10/2 cho biết, công ty Foxconn đã nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc để nối lại hoạt động sản xuất tại một nhà máy quan trọng ở TP Trịnh Châu, phía Bắc Trung Quốc. Khoảng 16.000 người, khoảng gần 10% số lao động của công ty Foxconn, ở Trịnh Châu, đã quay trở lại nhà máy để bắt đầu làm việc trong tuần này, theo nguồn tin này.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản đảo ngược đà tăng ở đầu phiên và giảm 0,5%.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 0,4%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Australia cũng giảm nhẹ trong phiên này.
Duy nhất thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 10/2 với chỉ số blue-chip cộng 0,4% và chỉ số chứng khoán thành phần Thượng Hải nhích 0,3%.
Nhà phân tích James McGlew tại công ty môi giới chứng khoán Argonaut nhận xét: “Các thị trường cũng lạc quan hơn sau thông tin nói rằng các DN Trung Quốc đang quay trở lại làm việc.
“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các nhà đầu tư chưa dứt nỗi e ngại khi dịch virus corona vẫn diễn biến phức tạp” - chuyên gia McGlew nói thêm.
Tính đến ngày 9/2, số người tử vong do virus corona đã cao hơn dịch SARS trên toàn cầu hồi năm 2002/2003. Hiện dịch bệnh viêm phổi do virus corona cũng đã lây lan đến ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 10/2 cho biết tổng số người nhiễm trên toàn thế giới đã lên tới 40.171 người.
Việc đình trệ sản xuất tại các nhà máy đang đe dọa đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như gây lo ngại cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm lãi suất và thúc đẩy thị trường bằng việc tăng thanh khoản.
Dẫu vậy, các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc được dự báo đối với kinh tế Trung Quốc.
“Chúng tôi dự đoán sự gián đoạn kinh tế do ảnh hưởng của việc bùng phát virus corona sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 280 tỷ USD trong quý I/2020”, các chuyên gia kinh tế của Capital lưu ý trong thông báo công bố hôm 7/2. “Nếu diễn biến theo đúng nhận định của chúng tôi, điều này có nghĩa là sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ không tăng trưởng theo quý lần đầu tiên kể từ năm 2009”.