Chứng khoán châu Á lao dốc do căng thẳng Trung Quốc - EU leo thang

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày 23/3 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiểu do căng thẳng giữa Trung Quốc và EU gia tăng.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu châu Á đã đảo ngược đà tăng ở phiên trước đó, giảm mạnh nhất là thị trường chứng khoán Trung Quốc, do chịu tác động từ việc đáp trả trừng phạt lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Brussels.
Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc ghi nhận căng thẳng ngoại giao khi ngày 22/3, hai bên có các động thái "trả đũa" ngoại giao nhằm vào nhau.
Chứng khoán châu Á sụt mạnh trong phiên 23/3.
Theo Xinhua, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này đã quyết định trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể của EU, cho rằng những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Động thái trên của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi EU thông báo áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Trung Quốc, trong đó có một thực thể nhà nước và 4 quan chức, với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền.
Tâm lý tiêu cực trên thị trường khiến các chỉ số chứng khoán tương lai châu Âu tại thị trường châu Á lao dốc trong phiên ngày 23/3, với chỉ số EUROSTOXX 50 giảm 0,42% và FTSE sụt 0,61%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 kỳ hạn tại khu vực cũng mất 0,28%.
Bên cạnh đó, trong phiên ngày thứ Ba, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi những tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 23/3.
Phát biểu trước phiên điều trần, Chủ tịch Powell nói rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tiến triển "nhanh hơn dự báo và đang tiếp tục tăng tốc”.
Chỉ số MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản hạ 0,76%, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi đà lao dốc 1,42% của các cổ phiếu blue-chip của Trung Quốc.
Iris Pang - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING Wholesale, nhận xét: “Phiên giảm mạnh của cổ phiếu châu Á có thể là lo ngại về các lệnh trừng phạt. Căng thẳng chính trị quốc tế gia tăng sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu".
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng giảm 1,62%.
Các thị trường khác trong khu vực đều ghi nhận sắc đỏ, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 0,61%, chỉ số của chứng khoán Australia  mất 0,11%.
Trong phiên ngày 23/3, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở 1,6717%, giảm so với mức 1,732% trong phiên cuối tuần trước.
Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,32%, xuống còn 91,887 điểm./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần