Chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu tại châu Á đi lên trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019 trong bối cảnh nhà đầu tư lấy lại niềm tin với tài sản rủi ro.

Trong phiên giao dịch ngày 2/1, thị trường chứng khoán châu Á lấy lại sắc xanh theo đà phục hồi của thị trường Phố Wall nhờ những hy vọng mới về giải pháp cho chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter hôm 29/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra suôn sẻ.
 Thị trường chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch 2/1.
 Cụ thể, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,14%, chỉ số tương lai E-Mini của S&P 500 cũng nhích 0,5% và Nasdaq tương lai tăng 0,7%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ.
Trước đó, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ khi kết thúc phiên 31/12 do được hưởng hỗ trợ từ thông tin tích cực tiến tới giải quyết tình trạng bế tắc thương mại Trung-Mỹ.
Ngoài ra, thị trường cổ phiếu cũng hưởng lợi từ tín hiệu tích cực đầu tiên được Tổng thống Mỹ phát đi sau nhiều ngày khẳng định sẽ chỉ mở cửa chính phủ nếu khoản ngân sách 5 tỷ USD cho bức tường biên giới được thông qua. 
Ngày 1/1, Tổng thống Trump kêu gọi lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ tại Quốc hội tham gia vào một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng về an ninh biên giới hôm 2/1 để thảo luận về giải pháp chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài hơn 10 ngày qua.
Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết lời đề nghị của Tổng thống đã được gửi tới 8 nhà lãnh đạo cao nhất của 2 đảng trong Hạ viện và Nghị viện. Giới chức lãnh đạo đảng Dân chủ chưa cho biết có chấp nhận lời mời hay không.
Thomas Martin thuộc Global Investments nhận định: “Bước sang năm 2019, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hy vọng sẽ có được câu trả lời cho những câu hỏi lớn bủa vây thị trường trong năm ngoái, như đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng kinh tế của việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit…
Dự kiến, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có cuộc thảo luận chung về triển vọng kinh tế với các cựu Chủ tịch FED Janet Yellen và Ben Bernanke trong ngày 4/1 tới.
Lãnh đạo FED dự định sẽ có thêm 2 hoặc nhiều lần tăng lãi suất trong năm nay, trong khi đó các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chứng lại và đà lao dốc của giá dầu.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng euro ổn định so với đồng USD ở mức 1 euro đổi được 1,1462 USD.
Tỷ giá đồng USD giảm so với yen Nhật, hiện ở mức 1 USD “ăn” 109,56 yen, gần chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần