Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Á trái chiều sau quyết định tăng lãi suất “khủng” của FED

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 16/6 khi nhà đầu tư chưa dứt lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 0,61% về mức 3.285,38 điểm, trong khi Shenzhen Component tăng 0,109% lên 12.150,96 điểm. Ảnh: EPA
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 0,61% về mức 3.285,38 điểm, trong khi Shenzhen Component tăng 0,109% lên 12.150,96 điểm. Ảnh: EPA

Các thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm đan xen trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/6) sau khi Cục Dự trữ liên bang (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. 

Theo đài CNBC, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên mức 26.431,20 điểm, trong khi chỉ số Topix cộng 0,64% lên 1.867,81 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng leo dốc 0,16% và chốt phiên giao dịch ở mức 2.451,41 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không tính thị trường Nhật Bản) sụt 1,1% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm. Tại Australia, chỉ số S&P/ ASX 200 cũng mất hơn 0,15% về còn 6.591,10 khi chốt phiên ngày thứ Năm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 0,61% về mức 3.285,38 điểm, trong khi Shenzhen Component tăng 0,109% lên 12.150,96 điểm. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông giảm mạnh nhất trong số các thị trường lớn ở châu Á khi mất hơn 2,5% do chịu tác động từ đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, với Tencent hạ 4,05%, Alibaba sụt 4,45% và Netease giảm gần 7%.

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 15/6, FED chính thức nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên khoảng 1,5-1,75%, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng  nổ vào tháng 3/2020. 

Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của FED, tuyên bố “cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát, hiện đang ở mức kỷ lục 8,6%, trở lại mục tiêu 2%”. FED cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay, do lo ngại lạm phát. Theo đó, GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ tăng 1,7%, giảm mạnh so với mức dự báo 2,8% hồi tháng 3.

Phát biểu tại buổi họp báo ngay sau khi kết thúc cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có thể xem xét việc nâng lãi suất thêm 0,75% hay chỉ 0,5% trong phiên họp chính sách tiếp theo vào ngày 26-27/7.

Nhà chiến lược thị trường toàn cầu J.P. Kerry Craig tại Morgan Asset Management, nhận định: “Mặc dù FED chưa khẳng định chắc chắn sẽ thực hiện tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp vào tháng 7 tới, nhưng họ đã xác nhận cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và điều này cho thấy FED sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu khống chế lạm phát”.

Chuyên gia Craig Craig lưu ý thêm: “Theo quan điểm của chúng tôi, những rủi ro về cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2023 là không thể bỏ qua”.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Clifford Bennett, nhà kinh tế trưởng tại ACY Securities, cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra khi FED phát tín hiệu mạnh tay trong chính sách lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát và “phớt lờ những nguy cơ có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 105,228 điểm sau khi giảm mạnh về mức 104,707 ở phiên ngày 15/6.