Chứng khoán Mỹ bất ngờ lao dốc, Dow Jones bốc hơi hơn gần 1.000 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Dow Jones có thời điểm sụt gần 1.000 điểm trước khi chốt phiên giảm 808 điểm do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong ngày 3/9, đánh mất mức đỉnh lịch sử thiết lập trong các phiên trước khi cổ phiếu công nghệ, vốn dẫn dắt đà đi lên của thị trường từ tháng 3 đến nay, đồng loạt giảm sâu.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/9, chỉ số Dow Jones “bay” 807,77 điểm (tương đương 2,8%) xuống còn 28.292,73 điểm, chứng khiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 11/6. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 3,5% về mức 3.455,06 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 5% xuống còn 11.458,10 điểm, đều rớt khỏi đỉnh lịch sử thiết lập liên tục trong những phiên trước.

Chứng khoán Mỹ ngày 3/9 rớt khỏi đỉnh lịch sử sau phiên bán tháo.

Cổ phiếu Apple lao dốc 8% và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/3 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ. Cổ phiếu Amazon và Netflix đều mất hơn 4% và cổ phiếu Facebook hạ 3,8%. Cổ phiếu Microsoft rớt 6,2%,  trong khi đó cổ phiếu Alphabet hạ 5,1%.

Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 5,83%, chấm dứt chuỗi 10 phiên leo dốc liên tiếp. Lĩnh vực này cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Ông Adam Crisafulli - người sáng lập hãng nghiên cứu Vital Knowledge nhận xét: "Thị trường Phố Wall chứng kiến làn sóng bán tháo các cổ phiếu công nghệ, khiến nhóm này giảm mạnh trong phiên giao dịch, song biến động này xảy ra sau một đợt tăng bùng nổ kéo dài”.

Theo chuyên gia Crisafulli, giá cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn thời gian qua đã không còn phù hợp với các yếu tố cơ bản, và thị trường có thể thúc đẩy nhóm cổ phiếu này đi lên thì cũng có thể đẩy giá cổ phiếu công nghệ đi xuống.

Giá cổ phiếu của các công ty hưởng lợi từ việc tái khởi động kinh tế diễn biến tích cực, hạn chế đà giảm sâu của nhóm công nghệ. Hãng du thuyền Carnival tăng 5,2%, hãng bán lẻ Macy nhảy vọt gần 8%.

Đà lao dốc của các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn ra sau phiên lập kỷ lục mới của cả S&P 500 và Nasdaq Composite. Tính từ mức đáy hôm 23/3 đến nay, S&P 500 đã tăng hơn 50%, Nasdaq Composite phục hồi  hơn 60%, còn Dow Jones đã nhích hơn 50%.

Theo giới phân tích, thị trường tăng vọt so với mức thấp nhất của tháng 3 đã khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Ông Frank Cappelleri, Giám đốc điều hành tại công ty môi giới Instinet, nhận xét: "Chúng tôi không cho rằng thị trường sẽ sụp đổ một lần nữa ngay lúc này, nhưng thị trường cũng khó có thể tiếp tục lập thêm các kỷ lục mới. S&P 500 tăng điểm trong 9/10 phiên gần đây và ghi nhận đợt  tăng mạnh mẽ nhất trong 2 tháng qua, do vậy thị trường cần thời gian để nghỉ ngơi".

Chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống bất chấp số liệu thất nghiệp khả quan hơn dự kiến. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nước này ghi nhận thêm 881.000 người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 29/8), thấp hơn đáng kể so với ước tính 950.000 của Dow Jones.

Trong ngày 4/9, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 8. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát kỳ vọng nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 1,321 triệu việc làm trong tháng trước.

Giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm của chính phủ trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thống nhất được gói hỗ trợ mới cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ cũ cung cấp 600 USD/tuần cho người thất nghiệp đã hết hạn vào cuối tháng 7.

Ông Tom Essaye - nhà sáng lập công ty tư vấn The Sevens Report, cho biết: "Lý do duy nhất khiến chúng ta chưa thông qua được một gói kích thích mới là nền kinh tế và thị trường đang diễn biến lạc quan hơn kỳ vọng của nhiều người. Thị trường cổ phiếu có thể được hưởng lợi nếu số liệu việc làm khả quan, nhưng không quá tích cực đến mức để Quốc hội Mỹ thấy không cần cung cấp thêm gói hỗ trợ tài khóa mới"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần