Các chỉ số của chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, với Dow Jones chứng kiến phiên giảm điểm đầu tiên trong năm 2022.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones lao dốc 392,54 điểm, tương đương 1,07%, xuống 36.407,11 điểm, sau khi chạm mức đỉnh vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 hạ 1,94% về còn 4.700,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 3,34% còn 15.100,17 điểm và chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.
Lợi suất bật tăng và gây áp lực lên thị trường cổ phiếu sau khi biên bản cuộc họp ngày 14-15/12 của Cục Dự trữ Liên bang (FED) được công bố cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đã thảo luận đến việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán sau khi tăng lãi suất trong năm 2022.
Theo biên bản cuộc họp trong tháng 12 được công bố ngày 5/1, FED đã bắt đầu có kế hoạch cắt giảm số lượng trái phiếu và các nhà hoạch định chính sách nói rằng việc giảm bảng cân đối kế toán có thể sẽ bắt đầu sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất. “Phần lớn những người tham gia cuộc họp chính sách của FED đều đồng ý rằng, có thể sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào một thời điểm nào đó sau lần tăng lãi suất đầu tiên”, biên bản tóm tắt cuộc họp của FED nêu rõ.
Theo biên bản này, khi quá trình này bắt đầu, “tốc độ thích hợp của việc thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể sẽ nhanh hơn so với giai đoạn trước đó” vào tháng 10/2017. Quy mô bảng cân đối kế toán của FED là rất quan trọng vì việc mua trái phiếu của ngân hàng trung ương được coi là một yếu tố quan trọng trong việc giữ lãi suất ở mức thấp trong khi thúc đẩy thị trường tài chính bằng cách giữ cho tiền lưu thông.
Thị trường kỳ vọng rằng FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, đồng nghĩa với việc giảm bảng cân đối kế toán trị giá gần 9.000 tỷ USD có thể bắt đầu trước mùa hè năm nay.
Ông Jay Hatfield, CEO của công ty Infrastructure Capital Management, nhận định việc FED cắt giảm quy mô bảng cân đối là "rủi ro chính của năm nay". "Nếu FED bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối, đó sẽ là một thảm họa. Tôi tin rằng FED sẽ giữ cho bảng cân đối đi ngang, song nếu lạm phát tiếp tục tăng cao thì nhiều khả năng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu hạ quy mô bảng cân đối", CNBC dẫn phát biểu của chuyên gia Hatfield.
Bên cạnh đó, FED cũng phát tín hiệu sẽ quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất. "Nhìn chung các thành viên dự họp nhận định rằng, dựa theo đánh giá về triển vọng nền kinh tế, thị trường lao động và lạm phát, FED có thể cần phải nâng lãi suất quỹ liên bang sớm hơn và với tốc độ nhanh hơn dự báo trước đó" - biên bản cuộc họp tháng 12 cho biết.
Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn chìm nhuộm sắc đỏ trong phiên này, với cổ phiếu Netflix và Alphabet đều giảm ít nhất 4%. Cổ phiếu Meta Platforms và Microsoft cũng mất hơn 3%, và cổ phiếu Apple sụt 2,7%.
Cổ phiếu Salesforce lao dốc 8,2% sau khi bị UBS hạ bậc. UBS cũng hạ xếp hạng đối với Adobe khiến cổ phiếu này giảm tới 7,1%. Cổ phiếu Advanced Micro Devices và Nvidia cũng mất 5%.
Cổ phiếu Honeywell và Caterpillar ghi nhận mức tăng nhỏ trong bối cảnh thị trường bán tháo rộng. Cổ phiếu Pfizer tăng 2% sau khi được Bank of America nâng hạng cổ phiếu này.
“Trong nửa đầu năm nay, triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ sẽ hỗ trợ tích cực cho các cổ phiếu mang tính chu kỳ. Tuy nhiên, việc FED thay đổi từ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sang thắt chặt chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng phần nào đến các tài sản rủi ro đã tăng giá nhiều, như các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn”, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của Oanda nói.