Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ bối rối với số liệu lạm phát, Dow Jones bay hơn 200 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 12/12 do báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) nóng hơn dự báo.

Cổ phiếu Nvidia giảm hơn 1% khi đóng cửa phiên ngày 12/12. Ảnh: moneycheck
Cổ phiếu Nvidia giảm hơn 1% khi đóng cửa phiên ngày 12/12. Ảnh: moneycheck

Chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 234,44 điểm, tương đương giảm 0,53%, còn 43.914,12 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 mất 0,54%, về mức 6.051,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt 0,66%, về còn 19.902,84 điểm, sau khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 20.000 điểm trong phiên ngày thứ Tư.

Công nghệ vốn hóa lớn là một trong những nhóm cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên thị trường trong phiên này. Nvidia giảm hơn 1% và một loạt cái tên lớn khác như Meta Platforms, Alphabet hay Amazon đều lao dốc trong phiên giao dịch.

Cổ phiếu hãng phần mềm Adobe thậm chí “bốc hơi” hơn 15% sau khi công ty công bố dự báo kết quả kinh doanh năm 2025 kém khả quan hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước đó và cao hơn đáng kể ước tính của các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò là 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI tăng 3%.

Nếu loại trừ biến động của thực phẩm và năng lượng, PPI lõi tăng lần lượt 0,2% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ, phù hợp với dự báo. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 2 tuần sau khi dữ liệu PPI được công bố.

Trước đó một ngày, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế, thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt hạ lãi suất mới với mức 0,25% trong cuộc họp chính sách từ ngày 17-18/12.

Tuy nhiên, số liệu PPI mới nhất cho thấy tiến trình giảm lạm phát   về mức mục tiêu 2% đang chững lại, điều này có thể khiến Fed giãn tiến độ hạ lãi suất trong năm tới. Đây là một vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại.

Thêm vào đó, các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump - nếu được thực thi - có thể gây hiệu ứng tăng lạm phát.

Nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của công ty Globalt Investments đánh giá: “Tôi cho rằng tiến trình giảm lạm phát hiện nay vừa hứa hẹn mà cũng gây lo ngại. Lạm phát đang ở dưới mức 3%, nhưng tiến trình giảm có vẻ đang chậm lại so với mức mục tiêu 2% của Fed”.

Nhận định về cuộc họp chính sách trong tuần tới của Fed, ông Buchanan tin rằng Ngân hàng T.Ư Mỹ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đạt 242.000 yêu cầu trong tuần kết thúc vào ngày 7/12, cao hơn đáng kể so với dự báo 220.000 yêu cầu và tăng 17.000 yêu cầu so với giai đoạn trước. 

Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall cũng tỏ ra thận trọng hơn khi đón nhận số liệu xin trợ cấp trong tuần. Các chuyên gia lưu ý thêm dữ liệu việc làm tại Mỹ thường có xu hướng biến động khi bước vào mùa lễ hội cuối năm.

"Dữ liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp có thể đặc biệt biến động trong thời gian nghỉ lễ. Do đó, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu có xu hướng đáng lo ngại nào đối với dữ liệu về đơn xin trợ cấp hay không. Việc số đơn xin trợ cấp ban đầu tăng liên tục trong vài tuần sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại hơn về sự yếu kém của thị trường lao động" – các chuyên gia của Citi lưu trong báo cáo công bố ngày 12/12.

Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư cấp cao Rob Haworth tại U.S. Bank Wealth Management nhận định: “Nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá xem Fed sẽ đưa ra quyết định gì vào tuần tới? Liệu lạm phát có thực sự là lý do buộc Fed phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hay họ có thể đạt được mục tiêu?”.

Bên cạnh đó, chuyên gia Haworth cho rằng thị trường đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời sau khi Nasdaq lập kỷ lục mới trong phiên ngày thứ Tư.

Theo công cụ FedWatch của CME, hiện tỷ lệ đặt cược vào việc Fed cắt giảm vào tuần tới là hơn 98%.

Tuy nhiên, thị trường cũng cho thấy dự báo về việc Fed sẽ tạm dừng việc nới lỏng trong tháng 1/2025, sau khi một số quan chức Ngân hàng T.Ư Mỹ đã kêu gọi thận trọng về tốc độ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ.