Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/6, chỉ số S&P 500 tăng 0,11% lên 4.298,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,16% lên 13.259,14 điểm. Chỉ số Dow Jones leo dốc 43,17 điểm (tương đương 0,13%) lên mức 33.876,78 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp của chỉ số này.
Tính chung trong tuần, S&P 500 cộng 0,39%, chứng kiến tuần tăng thứ tư liên tiếp. Đây là chuỗi tuần tăng điểm dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2022.
Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,14%, tăng 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 11/2019. Trong khi đó, Dow Jones nhích 0,34% tuần này.
Chiến lược gia Stephen Suttmeier của ngân hàng Bank of America cho biết sự phục hồi của chỉ số Farrell Sentiment có thể mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán trong tương lai.
Cụ thể, chuyên gia của Bank of America nhận định lực đẩy này có thể đẩy chỉ số S&P 500 lên 4.750 đến 5.000 điểm vào nửa đầu năm 2024.
Giới đầu tư Phố Wall đã lạc quan trước những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của thị trường cổ phiếu gần đây được mở rộng hơn, bao gồm cả những cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng vẫn tăng 1,9% cả tuần.
“Đây là lần đầu tiên trong những tháng qua tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư xuất hiện trở lại. Và chúng tôi cho rằng đó là một bước ngoặt từ tâm trạng thận trọng và bi quan trước đó,” CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nói với đài CNBC.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Scott Ladner, CEO của Horizon Investments cho hay: “Chúng tôi tin rằng vào những tuần tới, việc nền kinh tế phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng của mọi người trong 6 tháng qua sẽ trở nên ngày càng rõ ràng”.
Theo chuyên gia, thị trường bắt đầu nhận ra rằng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và theo chu kỳ có thể có cơ hội hợp lý để bắt kịp nhóm cổ phiếu siêu lớn.
Ông Keith Apton, giám đốc điều hành ngân hàng UBS cũng đánh giá lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ. UBS đã điều chỉnh dự báo đưa ra trước đó, cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái trong quý IV-2023 hoặc trong nửa đầu năm tới, thậm chí có khả năng không xảy ra suy thoái.
Tâm điểm của thị trường Phố Wall đang hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được công bố vào ngày 12/6 và cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ ngày 13/14/6.
Theo công cụ CME FedWatch Tool, thị trường hiện đang dự đoán khả năng hơn 71% ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp này.
Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton cho biết, kỳ vọng của Phố Wall rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,25% trong cuộc họp chính sách vào tháng 7 vẫn là mức quá cao.
Ông Siegel lưu ý rằng tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng đối với các nhà đầu tư Phố Wall khi đón nhận cả báo cáo CPI và dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ.