Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt đi xuống trong phiên ngày 12/9 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ và giá dầu tăng vọt làm gia tăng lo ngại về áp lực lạm phát dai dẳng.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq Composite sụt 144,28 điểm (tương đương 1,04%), xuống 13.773,61 điểm, ghi nhận phiên giảm đầu tiên trong 3 phiên. Chỉ số S&P 500 hạ 25,56 điểm (tương đương 0,57%) còn 4.461,90 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 17,73 điểm (tương đương 0,05%) xuống còn 34.645,99 điểm.
Cổ phiếu Oracle chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2002 và trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trong S&P 500 phiên này khi lao dốc 13,5% sau khi hãng phần mềm công bố doanh thu quý II và dự báo doanh thu đều thấp hơn kỳ vọng.
Cổ phiếu các công ty là đối thủ cạnh tranh của Oracle trong lĩnh vực điện toán đám mây, gồm Amazon, Alphabet và Microsoft, cũng giảm theo.
“Oracle không phải là một cổ phiếu quá lớn, nhưng được xem là sự phản ánh mức chi tiêu của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh gây thất vọng của Oracle là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực giảm điểm đối với Nasdaq Composite và S&P 500” - nhà sáng lập Kim Forrest của công ty Bokeh Capital Partners nhận định với đài CNBC.
Cổ phiếu Apple cũng mất 1,7% sau khi công ty tung ra mẫu iPhone cùng Apple Watch mới vào chiều ngày 12/9. Trong khi đó, cổ phiếu Adobe cũng giảm khoảng 4% khi công ty chuẩn bị báo cáo kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng mạnh trong ngày 12/9 cũng làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát dai dẳng có thể do nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Giá dầu WTI của Mỹ trong ngày 12/9 tăng vọt lên 88,84 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu trong cả năm nay và năm tới.
Vào tháng 3 năm nay, giá dầu WTI chỉ giao dịch quanh ngưỡng 66 USD/thùng. Trước diễn biến trên, cổ phiếu năng lượng đã tăng điểm. Cổ phiếu Chevron và Exxon Mobil lần lượt đi lên khoảng 1,9% và 2,9%.
Nhận định với hãng tin Reuters, Thomas Hayes - Chủ tịch tại Great Hill Capital LLC cho biết."Thị trường quan ngại về việc giá năng lượng tăng khá mạnh trong những tuần gần đây và điều đó tạo ra một số lo ngại khi bước vào tháng 11, thời điểm Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa”.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này vẫn là các báo cáo lạm phát, gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đến là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào ngày thứ Năm.
Các số liệu lạm phát này của Mỹ sẽ là một căn cứ quan trọng cho các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed.
Hiện tại, thị trường gần như tin chắc rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19-20/9. Tuy nhiên, khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất thêm một lần trong cuộc họp vào tháng 11 hoặc tháng 12 chỉ ở mức hơn 40%.
Ông Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B Riley Wealth, nhận định với hãng tin Reuters: “Tất cả các thông tin về kinh tế Mỹ từ nay đến cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 11 sẽ rất quan trọng, đặc biệt là báo cáo lạm phát. Vì vậy, giới đầu tư cổ phiếu sẽ quan tâm đặc biệt đến số liệu CPI sẽ được công bố giữa tuần này”.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra quyết định lãi suất vào ngày thứ Năm, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ.