Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ - châu Á đồng loạt đi lên

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á nhích nhẹ trong phiên 29/3 nhờ kỳ vọng vào kết quả tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong phiên này, lãi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao hơn sau khi lo lắng về triển vọng kinh tế kéo dài. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,1%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng nhích 1%.
Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên 29/3.
Tâm lý giới đầu tư phấn khích với tài sản rủi ro hơn sau khi các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất tích cực hơn trong vòng đàm phán thương mại mới nhất dự kiến kéo dài từ ngày 29 - 30/3, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Sáng 29/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông đã có “bữa tối làm việc hiệu quả” tại Bắc Kinh tối 28/3 khi ông tới Trung Quốc để bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới.
Trong phiên 29/3, lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã phục hồi lên 2,391% sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng còn 2,352% ở phiên trước đó do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu “ôn hòa” trong việc điều hành lãi suất.
Bên cạnh đó, dữ liệu được công bố ngày 29/3 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV/2018 chậm hơn so với dự đoán, với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 2,2%.
Ông Mutsumi Kagawa - chiến lược gia trưởng toàn cầu của Rakuten Securities cho biết: “Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Nhưng câu hỏi liệu Mỹ có sắp bước vào thời kỳ suy thoái hay không vẫn còn gây tranh cãi”.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa cao hơn trong ngày 28/3 trong một phiên giao dịch có khối lượng thấp, sau các báo cáo cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ mới hướng đến một thỏa thuận thương mại.
Giới đầu tư đang cân nhắc dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý cuối cùng năm ngoái đang có dấu hiệu giảm tốc.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 91,87 điểm, tương đương 0,4%, lên 25.717,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,07 điểm, tương đương 0,4%, kết thúc tại 2.815,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,79 điểm, tương đương 0,3% và đóng cửa tại 7.669,17 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Âu suy yếu vào hôm qua, với chỉ số Stoxx 600 Europe đóng cửa trong sắc đỏ.
Chứng khoán Mỹ cũng đi lên trong phiên 28/3.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với các quan chức Bắc Kinh đưa ra các đề xuất chưa từng có để giải quyết tranh chấp thuế quan kéo dài với Washington.
Báo cáo cũng đề cập đến các đề xuất nhằm chấm dứt các cáo buộc rằng Trung Quốc đang đánh cắp một cách có hệ thống tài sản trí tuệ của Mỹ.
Ryan Nauman, chiến lược gia thị trường của Informa Financial Intelligence, nhận định: “Thương mại đã chiếm lĩnh các tiêu đề báo chí trong hôm nay thay thế cho những lo ngại về đường cong lợi suất, và là động lực chính thúc đẩy thị trường ngày hôm nay”.
Nhà chiến lược Nauman nói thêm: “Trong khi các báo cáo về tiến bộ mới đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngày 28/3, tôi tin rằng một thỏa thuận thương mại tiềm năng đã được phản ánh vào giá cả thời gian qua. Điều này là rất nguy hiểm bởi vì nếu các cuộc đàm phán kéo nhưng rốt cuộc lại không đạt được một thỏa thuận nào, thì sự giận dữ và dồn nén sẽ bùng nổ đẩy thị trường chứng khoán lao dốc”.
Bất chấp những biến động thị trường trong những tuần gần đây, chỉ số S&P500 được dự báo tăng 12,3% trong quý I/2019, sẽ ghi nhận quý tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2009.