Sàn Phố Wall lại nhuộm sắc đỏ khi khép phiên giao dịch ngày 2/9 sau khi số liệu việc làm khả quan càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Theo CNBC, sau khi duy trì sắc xanh trong suốt phiên sáng, chỉ số Dow Jones đã mất sạch đà leo dốc 370 điểm và khép phiên với mức giảm 337,98 điểm, tương ứng 1,1%, xuống còn 31,318.44 điểm. Trong khi đó, S&P 500 sụt gần 1,1%, về 3.924,26 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 1,3%, xuống còn 11.630,86 điểm, ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2019.
Cả ba chỉ số chính đều mất điểm trong tuần qua và chứng kiến tuần “đỏ sàn” thứ ba liên tiếp, với Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 3% và 3,3%, trong khi Nasdaq hạ 4,2%.
Chuyên gia phân tích đầu tư thị trường Callie Cox tại eToro nhận xét: “Nhà đầu tư đang gia tăng lo ngại về đợt biến động của thị trường trong những tháng sắp tới. Lạm phát và thị trường việc làm sẽ được cân bằng, nhưng mức tổn thất sẽ như thế nào? Thị trường vẫn đang cố gắng tìm hiểu việc đó”.
Theo bà Cox, tình hình càng tệ hơn khi S&P 500 đang bị mắc kẹt trong vùng nguy hiểm - nghĩa là thấp hơn ba ngưỡng bình quân lớn. Những ngưỡng bình quân này vốn là mức sàn trong những tuần gần đây. “Tâm trạng chắc chắn đã thay đổi. Có thể thị trường Phố Wall sẽ không phá mức đáy của đợt bán tháo này thêm lần nữa, nhưng cũng có thể sẽ không sớm đạt thêm đỉnh mới” - chuyên gia Cox phát biểu trên CNBC.
Đà hồi phục của chứng khoán Mỹ bị chặn lại trong tuần này sau phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole và các quan chức khác của FED. Ngân hàng trung ương Mỹ đang thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát, bất chấp những thiệt hại mà chích sách thắt chặt tiền tệ mạnh có thể gây ra cho nền kinh tế. Ông Powell khẳng định FED sẽ không sớm hạ lãi suất trong năm 2023 như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Điều đó làm dấy lên quan ngại thị trường có thể kiểm chứng đáy giữa tháng 6 một lần nữa ngay trong tháng 9 này, giai đoạn thị trường chứng khoán thường gặp khó. Một số nhà đầu tư cho rằng nếu chỉ số S&P 500 không giữ được mức hỗ trợ 3.900 điểm thì thị trường có thể kiểm định lại mức đáy 3.667 điểm thiết lập hôm 16/6.
Một số nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi nhận được báo cáo việc làm, mặc dù cảm giác này nhanh chóng biến mất. Theo số liệu mới nhất, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 315.000 việc làm mới trong các lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng vừa qua, thấp hơn dự báo tăng 318.000 đơn vị của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ngưỡng 3,7%. Đây là lý do đẩy các chỉ số đi lên trong nửa đầu phiên giao dịch.
Báo cáo dữ liệu kinh tế trong tháng qua được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi tháng 8 là tháng cuối cùng FED có đầy đủ thống kê cần thiết trước khi bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 9. Các dữ liệu kinh tế sẽ giúp FED quyết định mức tăng lãi suất phù hợp, với các dự báo đang thiên về phương án 0,75% lần thứ ba.
Chỉ số giá tiêu dùng là báo cáo quan trọng tiếp theo, dự kiến được công bố trong ngày 13/9. Số liệu này được xem là báo cáo mang tính chất quyết định tới mức độ quyết liệt của FED trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng như các quan chức FED đang dự báo lãi suất sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm hoặc 0,75 điểm phần trăm.
Ông Jeff Kilburg - Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Sanctuary Wealth, nhận định với đài CNBC: “Nhà đầu tư đang khá lo lắng: Thị trường liệu có tiếp tục giảm điểm hay dò đáy hay không? VIX - chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán, đang ở mức dưới 26 tuổi điểm, song giới đầu tư không nên hoảng sợ. Chúng ta chờ xem liệu FED có kích hoạt đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba hay không? Tuy nhiên, tôi cũng thấy có sự hỗ trợ ở ngưỡng 3.900 điểm của chỉ số S&P 500”.