Thị trường Phố Wall chịu sức ép trong phiên giao dịch ngày 21/9 khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và quan ngại về nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones sụt 370,46 điểm (tương đương 1,08%) xuống còn 34.070,42 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,64% về mức 4.330 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 1,82% xuống còn 13.223,98 điểm.
Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của cả 3 chỉ số và là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 đối với S&P 500. Dow Jones và S&P 500 đang trên đà chứng kiến giảm lần lượt hơn 1% và 2%, còn Nasdaq Composite có nguy cơ lao dốc hơn 3%.
Trong ngày 21/9, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,49%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi suất trái phiếu nhảy vọt là do báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, dấu hiệu về một thị trường lao động vẫn vững mạnh và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn so với dự kiến.
Theo báo cáo trên, trong tuần kết thúc vào ngày 16/9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ giảm 20.000 so với tuần trước đó, còn 201.000 đơn. Số liệu này thấp hơn nhiều so với mức dự báo 225.000 đơn của các chuyên gia đưa ra trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt 5,2%, mức cao nhất kể từ năm 2006.
Nhận định với CNBC, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial cho rằng diễn biến gần đây của lợi suất là tín hiệu cảnh báo đối với thị trường vào thời điểm hiện tại. Vị chuyên gia lưu ý thêm rằng lợi suất tăng cao “chắc chắn đang gây áp lực lên tâm lý ham thích tài sản rủi ro như cổ phiếu ở thời điểm này”.
Bên cạnh đó, tâm lý của giới đầu tư trở nên bất an hơn sau thông tin các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã yêu cầu Hạ viện tạm nghỉ hôm 21/9. Điều này làm gia tăng lo ngại rằng các nhà lập pháp liên bang sẽ không thể thông qua một dự luật để ngăn chính phủ đóng cửa. Thị trường đang lo lắng rằng việc Chính phủ Mỹ dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế trong quý IV.
Trước đó một ngày, Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng phát tín hiệu chưa thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ như dự báo trước đó. Điều này đồng nghĩa rằng Fed sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kiềm chế tình trạng lạm phát cao dai dẳng.
Tại cuộc họp báo hôm 20/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm, nhưng đó không phải là kịch bản chính của ông.
"Nếu lãi suất cao được duy trì trong thời gian lâu hơn, hệ thống tài chính sẽ căng thẳng hơn và gây áp lực lớn hơn đối với nền kinh tế” -Thomas Martin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT ở Atlanta, nhận định với Reuters.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà giảm trong tuần này khi các nhà đầu tư cân nhắc lại về các cổ phiếu tăng trưởng nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2024. Cổ phiếu Tesla, Alphabet và Nvidia đều giảm hơn 2%.
FedEx đã tránh được xu hướng tiêu cực của thị trường, tăng 4,5% sau khi công bố thu nhập đã điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4,55 USD trong quý tài chính đầu tiên. Trong khi đó, các nhà phân tích từng dự đoán EPS chỉ đạt 3,73 USD.