Chứng khoán Mỹ khép lại tuần tăng tốt nhất kể từ đầu năm tới nay và duy trì đà phục hồi sau đợt báo tháo dữ dội vào đầu tháng 8.
Theo CNBC, chốt phiên ngày 16/8, chỉ số S&P 500 cộng 0,2% lên 5.554,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,21% lên 17.631,72 điểm, còn Dow Jones leo dốc 96 điểm (tương đương 0,24%) lên mức 40.659,76 điểm.
Tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 vọt gần 3,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Chỉ số Nasdaq Composite và Dow Jones lần lược tăng 5,2% và 2,9% trong tuần.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm dẫn đầu đà phục hồi mạnh mẽ trên sàn Phố Wall tuần này. Trong đó, cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia bật tăng hơn 18%. Cổ phiếu Apple và Microsoft tăng tương ứng 4% và 3%.
Trước đó chỉ một tuần, chỉ số Dow Jones từng trải qua phiên giảm hơn 1.000 điểm, còn S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ năm 2022 do lo ngại về nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) bị đóng cũng gây biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, sau phiên bị bán tháo kỷ lục hôm 5/8, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Nhờ đợt hồi phục ấn tượng trong tuần này, S&P 500 hiện chỉ còn thấp hơn 2% so với mức kỷ lục thiết lập vào giữa tháng 7.
Các số liệu kinh tế Mỹ công bố những ngày gần đây đã giúp xoa dịu nỗi sợ hãi trước đó của nhà đầu tư.
Số liệu doanh thu bán lẻ công bố hôm 15/8 vượt dự báo của giới phân tích, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Cả hai dữ liệu này đều giúp trấn an tâm lý hoang mang của thị trường về một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra ở Mỹ - nguyên nhân quan trọng dẫn tới đợt bán tháo đầu tháng.
Ngoài ra, các báo cáo lạm phát công bố trong tuần cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn có khả năng hạ cánh mềm, tức là lạm phát giảm mà không kéo theo tăng trưởng giảm tốc.
Bên cạnh đó, báo cáo khảo sát được Đại học Michigan công bố ngày 16/8 cho thấy niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo. Chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt 67,8 điểm trong tháng 8, cao hơn mức 66,4 điểm của tháng 7 và mức dự báo 66,9 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
“Các báo cáo kinh tế được công bố trong tuần này mang tới một sự cân bằng cần thiết cho thị trường cổ phiếu. Điều này sẽ giúp giải tỏa những mối lo ngại về suy thoái kinh tế hay sự dai dẳng của lạm phát - yếu tố sẽ cản trở kế hoạch nới lỏng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - chuyên gia trưởng về đầu tư Mark Haefele của Ngân hàng UBS nhận định trong một báo cáo.
Theo Giám đốc điều hành Greg Bassuk của Công ty AXS Investments tại New York, diễn biến khởi sắc trên sàn Phố Wall trong ngày 16/8 và phần lớn các phiên giao dịch trong tuần diễn ra khi giới đầu tư hào hứng trở lại với tài sản rủi ro như cổ phiếu.
"Dữ liệu kinh tế tích cực thực sự là động lực thúc đẩy đợt phục hồi của thị trường, củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng suy thoái có khả năng tránh được và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới" – chuyên gia Bassuk lưu ý thêm.
Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole hàng năm của Fed tại Wyoming, với sự tham dự của lãnh đạo các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới.
Mọi con mắt đều đang hướng về bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole vào thứ Sáu tuần tới. Những gì ông Powell nói sẽ cung cấp manh mối về cách Fed nhìn nhận tình hình kinh tế hiện tại, cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Chicago Austan Goolsbee mới đây cho biết, các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ nên cảnh giác với việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn mức cần thiết.
Các thị trường tài chính đang đặt cược khoảng 74,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với mức 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.