Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, Nasdaq Composite có quý tăng mạnh nhất từ 2020

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong quý I/2023, trong đó Nasdaq Composite ghi nhận quý tốt nhất kể từ năm 2020.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên cuối cùng của tháng 3 và hoàn tất một quý tăng điểm. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên cuối cùng của tháng 3 và hoàn tất một quý tăng điểm. Ảnh: AP

Thị trường Phố Wall giao dịch khởi sắc trong phiên ngày 31/3, hoàn tất một quý tăng điểm dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và cuộc khủng hoảng ngân hàng với vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB).

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 cộng 1,44% lên mức 4.109.31 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,74% đạt 12.221,91 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 415,12 điểm (tương đương 1,26%) lên mức 33.274,15 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt tăng mạnh trong phiên cuối cùng của tháng 3 và quý I nhờ lực đẩy từ thước đo lạm phát ưa thích của Fed thấp hơn dự báo.

Cụ thể, chỉ số giá dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá lương thực - thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng 2, ít hơn mức dự báo tăng 0,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tháng 2 tăng 4,6%, giảm nhẹ so với mức 4,7% của tháng trước đó.

Tính chung trong quý đầu tiên của năm nay, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 7,03% và 16,77%. Chỉ số Nasdaq Composite chứng kiến quý giao dịch khởi sắc nhất kể từ năm 2020. Dow Jones tăng khiêm tốn nhất trong 3 chỉ số, hoàn thành 3 tháng đầu năm với mức tăng 0,38%.

Tính riêng trong tháng 3, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng 3,51% và 6,69%, còn Dow Jones cộng 1,89%.

Tuy nhiên, thành quả ấn tượng này đạt được không hề dễ dàng. Thị trường đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối của tháng 3, sau khi rung lắc trong 2 tuần đầu tiên do vụ sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng khu vực Mỹ và vụ miễn cưỡng sáp nhập của hai ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse và UBS. Chính phủ Mỹ đã phải đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ tiền gửi ở SVB và Signature Bank, đồng thời thiết lập một cơ chế cung cấp thanh khoản để giúp các ngân hàng khác, ngăn một cuộc khủng hoảng lan rộng.

Theo dữ liệu được Fed công bố hôm 30/3, trong tuần từ 22-29/3, đã có 152,6 tỷ USD thanh khoản bổ sung được bơm vào hệ thống ngân hàng, từ mức 164 tỷ USD của tuần trước đó. Fed cũng nhận thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng dần ổn định khi tháng 3 kết thúc.

Cổ phiếu quỹ SPDR Regional Banking ETF chuyên đầu tư cổ phiếu các ngân hàng khu vực tăng khoảng 1% trong phiên cuối tuần, thoát khỏi mức đáy trong thời gian khủng hoảng vừa qua.

Dù vậy, cổ phiếu công nghệ mới là nhóm tăng mạnh nhất trong tháng 3 này, khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu tài chính. Cổ phiếu quỹ Technology Select SPDR ETF vọt gần 10% trong tháng 3.

Chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial nói với CNBC: “Đợt phục hồi mạnh mẽ của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đang giúp củng cố quan điểm của thị trường rằng vấn đề gây ra bởi cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua dần được kiểm soát”.

Chuyên gia này lưu ý thêm, cổ phiếu chip, vốn được xem là một chỉ báo quan trọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng ghi nhận một quý tăng mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed  tại New York John Williams ngày 31/3 cho biết  ngân hàng trung ương Mỹ vẫn kiên định với cam kết giảm lạm phát, nhưng cũng đang theo dõi sát biến động trên thị trường tài chính, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.

Ông Williams dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 3,25% trong năm nay trước khi tiến sát mục tiêu 2% của Fed trong vòng 2 năm tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần