Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng bùng nổ khi CPI bất ngờ giảm nhiệt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh trong ngày 10/11 khi dấu hiệu hạ nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng bùng nổ khi CPI bất ngờ hạ nhiệt. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng bùng nổ khi CPI bất ngờ hạ nhiệt. Ảnh: AP

Sàn Phố Wall ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2020 trong ngày thứ Năm sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát có thể đã qua đỉnh.

Theo CNBC, chốt phiên ngày 10/11, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 1.201,43 điểm (tương đương 3,7%) lên mức 33.715,37 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ khi chứng khoán Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, S&P 500 tăng thêm 5,54% lên 3.956,37 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số Nasdaq Composite leo dốc 7,35% lên mức 11.114,15 điểm, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 3/2020.

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11 cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất của CPI kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,6% và 7,9% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Nếu không tính hai mặt hàng có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, CPI cốt lõi chỉ tăng 0,3% trong tháng và tăng 6,3% trong vòng 1 năm, cũng thấp hơn so với dự báo.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh sau báo cáo CPI, với lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3,81%, từ mức hơn 4,1% trước đó. Lợi suất trái phiếu đi xuống trong phiên này khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt quyết liệt trong chính sách tiền tệ - nhân tố khiến giá cổ phiếu và trái phiếu biến động suốt từ đầu năm đến nay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng giảm về còn 4,32%. Trong khi đó, chỉ số đồng USD, vốn tăng mạnh gần đây và cũng là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ trượt dốc - có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 so với 6 đồng tiền chủ chốt khác.

Phát biểu trên kênh CNBC, nhà quản lý quỹ Tim Courtney của Exencial Wealth nhận định: “Lãi suất vẫn đang là nhân tố quan trọng đối với thị trường Phố Wall. Với số liệu CPI vừa được công bố cho thấy lạm phát hạ nhiệt, thị trường đang đặt cược tương đối rõ ràng rằng việc tăng mạnh lãi suất của Fed sắp kết thúc. Bởi vậy, những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với lãi suất đang phục hồi mạnh mẽ”.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lạm phát tăng và lãi suất tăng, chính là nhóm dẫn đầu đà tăng điểm mạnh mẽ của thị trường trong phiên này. Amazon chốt phiên với mức tăng 12,2%, Apple và Microsoft cùng tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu, Meta cũng thêm hơn 10%, và Tesla tăng 7%. Cổ phiếu các hãng sản xuất chip cũng tăng mạnh, như: Lam Research tăng 12%, AMD tăng hơn 11%, và KLA tăng 9%.

Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania,  đánh giá: “Lạm phát đang thấp hơn nhiều so với Fed nghĩ” và “Làn sóng lạm phát về cơ bản đã kết thúc và Fed không cần phải nâng lãi suất lên cao tới mức như các nhà đầu tư lo sợ”.

Theo giáo sư Siegel, Fed có thể sẽ tăng lãi suất ở mức 0,5% trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 tới, và sau đó ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tạm dừng nâng lãi suất. “Về cơ bản, đà tăng chóng mặt của lạm phát đã kết thúc và Fed không cần thiết phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt. Chủ tịch Fed Jerome Powell chắc chắn sẽ bớt diều hâu hơn trong thời gian tới” - giáo sư Siegel nói thêm.