Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ “đau đầu” vì Fed, Dow Jones sụt hơn 300 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo khi số liệu bán lẻ mạnh hơn dự báo thổi bùng nỗi lo rằng Fed sẽ giữ mức lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn.

Chỉ số Dow Jones  giảm 361,24 điểm khi  khép phiên ngày 15/8. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones  giảm 361,24 điểm khi  khép phiên ngày 15/8. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/8 do số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và cổ phiếu các ngân hàng lớn lao dốc.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 361,24 điểm (tương đương 1,02%) xuống 34.946,39 điểm, đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 sụt 1,16% còn 4.437,86 điểm, và lần đầu tiên giảm xuống dưới mức bình quân trượt 50 phiên (MA50) từ tháng 3- động thái có thể báo hiệu xu hướng giảm trong tương lai. Chỉ số Nasdaq Composite cũng hạ 1,14% xuống còn 13.631,05 điểm.

Trong phiên ngày thứ Ba, cổ phiếu ngân hàng bán tháo khi nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn về lãi suất. Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đảo ngược trong hơn 1 năm qua, với lợi suất của trái phiếu các kỳ hạn dài hơn thấp hơn lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn. Tình trạng này kéo dài gây áp lực giảm lợi nhuận đối với các ngân hàng.

“Nhiều khả năng thị trường sẽ chứng kiến đường cong lợi suất đảo ngược lâu hơn dự báo, ngay cả khi suy thoái kinh tế không diễn ra. Tình trạng đảo ngược của đường cong lợi suất sẽ cản trở hoạt động cho vay, vì chẳng ai muốn cho vay mà bị lỗ cả” - chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nói với hãng tin Reuters.

Áp lực đối với cổ phiếu ngân hàng trong phiên này còn đến từ một báo cáo của Fitch, trong đó tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới cảnh báo có thể hạ điểm tín nhiệm nhiều ngân hàng Mỹ, trong đó có JPMorgan Chase.

Tuần trước, hãng xếp hạng tính dụng Moody’s đã hạ xếp hạng 10 ngân hàng khu vực của Mỹ, trong khi đưa nhiều nhà băng lớn vào danh sách theo dõi. 

Nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính lao dốc trong phiên này. Cổ phiếu của JPMorgan Chase và Wells Fargo mất khoảng 2%, trong khi Bank of America giảm 3%. 

Cổ phiếu của ngân hàng khu vực cũng đi xuống. SPDR S&P Regional Banking ETF (KBE) giảm khoảng 3%. Cổ phiếu của nhóm nhà băng này đã giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari tuyên bố ủng hộ “tăng thêm đáng kể” yêu cầu về vốn. 

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc và việc bất ngờ cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương nước này cũng tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư Phố Wall. Theo báo cáo mới nhất, sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng. Doanh số bán lẻ cũng tăng thấp hơn dự kiến. 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 15/8 đã hạ lãi suất 15 điểm cơ bản,  xuống 2,5%. Tuy nhiên, động thái trên không thể xoa dịu các nhà đầu tư và chỉ làm tăng thêm mối lo về thị trường bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc. 

Chuyên gia Scott Ladner, Giám đốc đầu tư của Horizon Investments, cho biết trong năm nay, thị trường cổ phiếu đang cố gắng đón đầu các chính sách và kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ ngừng kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế . 

Ông Ladner lưu ý thêm: “Dường như thị trường đang đi đến kết luận lần thứ ba trong năm nay rằng chính phủ Trung Quốc khó có thể kích thích nền kinh tế một cách hiệu quả”. 

Các nhà bán lẻ lớn của Mỹ cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh trong ngày 15/8. Home Depot cho biết thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và doanh thu vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, kéo giá cổ phiếu đi lên.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 7, cao hơn mức dự báo 0,4% của giới phân tích, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất mạnh mẽ.

Sau khi báo cáo trên được công bố, các nhà giao dịch giữ nguyên đặt cược khả năng 89% Fed không thay đổi lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9. Tuy nhiên, giới đầu tư Phố Wall lo ngại lãi suất sẽ giữ ở mức đỉnh trong thời gian dài hơn dự kiến.