Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ đỏ sàn vì căng thẳng Nga-Ukraine, Dow Jones "bốc hơi" 480 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sâu trong phiên ngày 22/2 khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.

Chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh trong phiên ngày thứ Ba (22/2), khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Dow Jones mất 480 điểm, S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh khi đóng cửa phiên ngày 22/2
Dow Jones mất 480 điểm, S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh khi đóng cửa phiên ngày 22/2

Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, chỉ số Dow Jones lao dốc 482,57 điểm (tương đương 1,42%) xuống còn 33.596,61 điểm, chịu áp lực từ đà giảm mạnh 8,9% của cổ phiếu Home Depot. Dow Jones đã giảm 4 phiên liên tiếp.

S&P 500 kết phiên giảm 1% còn 4.304,76 điểm. Chỉ số S&P 500  hiện nay đang thấp hơn 9,7% so với cuối năm 2021 và giảm khoảng 10,3% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 3/1 năm nay. Nói cách khác, chỉ số đại diện thị trường này đã rơi vào vùng điều chỉnh.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 1,2% về còn 13.381,52 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ tạm đóng cửa vào ngày thứ Hai (21/02) do nghỉ lễ Ngày Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chỉ số chính đã xóa bớt đà giảm vào cuối phiên. Tại mức đáy trong phiên, Dow Jones đã sụt hơn 700 điểm.

Tổng thống Joe Biden ngày 22/2 đã ra lệnh cấm vận đối với hai ngân hàng của Nga (VEB và PSB), nợ chính phủ của Nga cũng như một số cá nhân và gia đình giàu có. Vương quốc Anh cũng áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với 5 ngân hàng và 3 cá nhân giàu có của Nga.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra thông báo công nhận nền độc lập của 2 khu vực ly khai ở Ukraine, quyết định có khả năng cắt đứt cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Putin cũng ra lệnh các lực lượng tiến vào 2 khu vực ly khai.

Nhà sáng lập Tom Essaye tại công ty nghiên cứu thị trường The Sevens Report, nhận định: "Tình hình Nga-Ukraine vẫn còn rất nhiều biến động, căng thẳng đang cao và trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán".

Trước đó, hôm 20/2, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã đồng ý "trên nguyên tắc" sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin để nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine bằng con đường ngoại giao. 

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga vẫn có thể diễn ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp của Nga Sergey Lavrov.

Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF, một chứng khoán giao dịch ở Mỹ đầu tư vào các công ty hàng đầu của Nga, sụt 8,9% vào ngày thứ Ba.

Giá dầu tăng vọt với giá dầu WTI cộng 1,5% lên mức 92,27 USD/thùng.

Căng thẳng Nga-Ukraine liên tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai tuần giảm liên tiếp. Tuần trước, Dow Jones mất 1,9%, S&P 500 và Nasdaq cũng giảm tương ứng 1,6% và 1,8%.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số sản xuất PMI của IHS Markit tăng từ 50,5 lên 52.5 trong tháng 2/2022. Chỉ số dịch vụ PMI của IHS Markit nhảy vọt từ 51,1 lên 56 trong tháng 2/2022.

Những lo ngại xoay quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất cũng gây sức ép cho thị trường Phố Wall.  Dự đoán về chính sách tiền tệ thắt chặt hơnc của FED tác động tiêu cực lên cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu vốn nhạy cảm với lãi suất như công nghệ.

Các chuyên giao Phố Wall đang tin tưởng chắc chắn rằng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp 15-16/3 tới để chống lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm.