Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt giảm mạnh trong ngày thứ Năm do đà bán tháo cuối năm quay trở lại sau hai phiên phục hồi trước đó.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 22/12, chỉ số Dow Jones sụt 348,99 điểm (tương đương 1,05%) xuống còn 33.027,49 điểm, thậm chí có thời điểm trong phiên mất tới 803,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,45% về mức 3.822,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 2,8% còn 10.476,12 điểm.
Phiên giảm này diễn ra sau phiên tăng hơn 500 điểm của Dow Jones vào ngày thứ Tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến của Nike và FedEx cùng dữ liệu tốt về niềm tin tiêu dùng trong tháng 12. S&P 500 và Nasdaq cũng tăng tương ứng 1,49% và 1,54% trong phiên ngày thứ Tư.
Tuy nhiên, đà bán tháo xuất hiện trở lại trong phiên giao dịch ngày 22/12 khi giới đầu tư lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm dẫn đầu phiên giảm này, với cổ phiếu của hai hãng sản xuất chip là Lam Research và AMD giảm tương ứng 8,7% và 5,6%.
Cổ phiếu Intel mất gần 4,6%, và cổ phiếu Micron Technology sụt 3.4% do kết quả kinh doanh quý gây thất vọng
Cổ phiếu Tesla cũng giảm 8,9% sau khi hãng xe điện tuyên bố giảm giá 7.500 USD cho một số mẫu xe. Động thái này của Tesla làm gia tăng mối lo của nhà đầu tư về nhu cầu suy yếu của ô tô chạy điện.
Trong các cổ phiếu thuộc nhóm Dow Jones, duy nhất cổ phiếu Nike giao dịch tích cực khi tăng 0,16% ở cuối phiên.
Tính từ đầu tháng đến nay, chỉ số Dow Jones đã mất 4,5%; trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 6,3% và 8,7%.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang tiến tới chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp và chứng kiến năm giảm mạnh nhất từ năm 2008. Lo ngại về suy thoái kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất kéo dài đã gây áp lực giảm lớn lên sàn Phố Wall năm nay, khiến chỉ số S&P 500 mất 19,8% từ đầu năm.
Phát biểu với hãng tin Reuters hôm 22/12, chuyên gia đầu tư cấp cao Matt Stucky tại công ty quản lý đầu tư Northwestern Mutual Wealth Management Company, cho biết: “Chúng ta đang vượt qua một trong những nỗi lo lớn của năm 2022. Đó là phản ứng của Fed trước áp lực lạm phát cao, dự báo năm 2023 nhiều khó khăn, nguy cơ một cuộc suy thoái đang diễn ra ở Mỹ và có thể là trên toàn cầu”.
“Các số liệu kinh tế công bố ngày hôm nay dường như đã xác nhận hướng đi này”, chuyên gia Stucky nói và cho rằng lạm phát cao, nền kinh tế suy yếu và thị trường lao động thắt chặt sẽ khiến nhà đầu tư “nhận ra thực tế rằng các kỳ vọng lợi nhuận về năm 2023 hiện nay là quá cao”.
Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên 216.000 trong tuần trước, nhưng thấp hơn con số dự báo 222.000 mà giới phân tích đưa ra. Một báo cáo khác từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board cho thấy kỳ vọng về các hoạt động tương lai trong nền kinh tế Mỹ giảm tháng thứ chín liên tiếp trong tháng 11.
“Dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn khả quan, đặc biệt là thị trường lao động tăng trưởng tích cực, sẽ khiến cho Fed duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt”, chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab nhận định với hãng tin Reuters.
Theo bà Sonders, Fed chỉ có thể đảo chiều quan điểm cứng rắn trong chính sách tiền tệ khi nền kinh tế sớm suy yếu. “Nguy cơ lãi suất tăng quá đà là có, vì nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất, tổn thất sau này sẽ lớn hơn”, vị chiến lược gia nhận định.