Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Dow Jones tăng một mạch 10 phiên, lập kỷ lục từ năm 2017

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Dow Jones nối dài đà tăng sang phiên thứ 10 liên tiếp, đồng thời ghi nhận chuỗi leo dốc dài chưa từng thấy kể từ tháng 8/2017.

Chỉ số Dow Jones có chuỗi leo dốc dài chưa từng thấy kể từ tháng 8/2017. Ảnh: AP
Chỉ số Dow Jones có chuỗi leo dốc dài chưa từng thấy kể từ tháng 8/2017. Ảnh: AP

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 21/7 khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về loạt báo cáo tài chính mới nhất.

Theo CNBC, chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones cộng 0,01% lên 35.227,69 điểm và S&P 500 tiến 0.03% lên 4.536,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,22%, xuống còn 14.032,81 điểm.

Với kết quả này, Dow Jones đã có chuỗi 10 phiên tăng không nghỉ - một thành tích mà chỉ số này chưa từng đạt được kể từ tháng 8/2017.

Tính chung trong tuần, S&P 500 leo dốc 0,69%, Dow Jones tăng 2,08%, còn Nasdaq Composite giảm 0,57%. Đây là tuần tăng thứ hai liên tiếp của cả S&P 500 và Dow Jones.

Thị trường  Phố Wall vẫn tiếp tục chú ý đến kết quả kinh doanh của các công ty. Cổ phiếu của gã khổng lồ vận tải CSX đã giảm 3,7% do kết quả không khả quan. Công ty dịch vụ tài chính American Express cũng mất gần 3,9%.

Theo dữ liệu của FactSet, 75% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình ba năm là 80%, theo The Earnings Scout.

Nhà phân tích Emmanuel Cau của Barclays nhận định trên đài CNBC: “Nhìn chung, báo cáo kết quả kinh doanh quý II tích cực đã phần nào hỗ trợ cho thị trường cổ phiếu trong tuần này. Tuần tới sẽ cho thấy một bức tranh lợi nhuận rõ ràng hơn, khi số doanh nghiệp đã công bố báo cáo đạt tới ngưỡng 50% tổng vốn hóa thị trường”.

Bên cạnh đó, trong tuần tới, động thái chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ lần lượt có cuộc họp chính sách định kỳ. Trong đó, Fed và ECB được dự báo sẽ tăng lãi suất, còn BOJ được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất.

Liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ, giới đầu tư đang nghiêng về khả năng “hạ cánh mềm”, đồng nghĩa rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed sẽ không khiến nền kinh tế sụt tốc mạnh hay suy thoái.

“Nói tóm lại là khả năng ‘hạ cánh mềm’ đang rất cao” - chiến lược gia danh mục Garrett Melson của Natixis Investment Managers nói với hãng tin Reuters.

Theo nhà phân tích Dirk Willer của ngân hàng Citi, thị trường đã giảm bớt lo ngại về nền kinh tế. Tuy nhiên, giới  đầu tư vẫn băn khoăn với câu hỏi rằng liệu cổ phiếu có đang bị mua quá mức hay không. 

Ông Willer cảnh báo rằng cổ phiếu đang “hơi căng quá mức” khi thị trường bước vào giai đoạn tiêu cực theo tính thời vụ. Chuyên gia của Citi khuyên các nhà đầu tư nên sẵn sàng kiên nhẫn, theo dõi sát diễn biến thị trường để tranh thủ mua vào khi cổ phiếu giảm giá.

Theo chuyên gia Willer, cách tiếp cận này đặc biệt đúng khi xem xét sự phấn khích mà trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục tạo ra trên thị trường Phố Wall.

Nhà phân tích này nói rằng ông vẫn ưa thích cổ phiếu công nghệ, năng lượng và công nghiệp hơn là lĩnh vực tiện ích, tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, ông Willer cho biết ngân hàng Citi đã bỏ vị thế tăng tỷ trọng với tiêu dùng thiết yếu, đồng thời thay đổi khuyến nghị giảm tỷ trọng với lĩnh vực vật liệu. 

Trong khi đó, ngân hàng Credit Suissel lại khuyến cáo nhà đầu tư Phố Wall cần thận trọng trong những tháng cuối năm vì rủi ro suy thoái vẫn còn.

Chiến lược gia cổ phiếu Andrew Garthwaite của Credit Suisse nhận định, ngân hàng Mỹ nhận thấy một số tín hiệu cho thấy đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ có thể gặp trở ngại vào cuối năm nay.