Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 17/1, trong đó chỉ số Dow Jones kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones sụt 391,76 điểm (tương đương 1,14%) xuống còn 33.910,85 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,2% còn 3.990,97 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,14% lên mức 11.095,11 điểm.
Gây áp lực lớn nhất lên Dow Jones phiên này là cổ phiếu Goldman Sachs mất 6,44% giá trị sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 không đạt dự báo với chênh lệch lớn chưa từng thấy trong 10 năm. Tình hình kinh doanh ảm đạm của ngân hàng do sụt giảm doanh thu mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.
Trong khi đó, một đối thủ của Goldman Sachs là Morgan Stanley công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo, một phần nhờ doanh thu kỷ lục của bộ phận quản lý gia sản. Cổ phiếu Morgan Stanley chốt phiên tăng 5,91%.
Các ngân hàng lớn khác như JPMorgan và Citigroup cũng công bố báo cáo lợi nhuận hàng quý với kết quả trái chiều.
Chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nhận xét: “Goldman Sachs và Morgan Stanley đã có ảnh hưởng trái ngược lên diễn biến trên sàn Phố Wall sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022. Ngay trong lĩnh vực tài chính, mỗi nhánh hoạt động đã có kết quả rất khác nhau. Mảng quản lý gia sản của Morgan Stanley giữ vai trò trụ cột quan trọng”.
Tính đến sáng ngày 17/1, đã có khoảng 7% số doanh nghiệp trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý IV, trong đó, 70% có kết quả vượt dự báo, theo dữ liệu từ FactSet.
Như vậy, sau 2 tuần leo dốc liên tiếp, sắc đỏ đã quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tiên trong tuần này. Hôm thứ Hai, thị trường đóng cửa nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King.
Chiến lược gia trưởng Mike Wilson của Morgan Stanley nhận định thị trường Phố Wall trong những phiên tới có thể chứng kiến sự phân cực lớn của các cổ phiếu. “Xu thế tăng điểm trên sàn Phố Wall từ đầu năm đến nay chủ yếu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu chất lượng thấp và đã bị bán khống nhiều từ trước. Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ cổ phiếu chu kỳ sang cổ phiếu phòng thủ, khiến nhà đầu tư cân nhắc điều chỉnh danh mục đầu tư” – ông Wilson nhận định.
Mặc dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, Nasdaq Compsite dẫn đầu đà phục hồi trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ khi tăng khoảng 6,01% nhờ lực mua vào cổ phiếu công nghệ. Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng lần lượt cộng 2,03% và 3,95% kể từ đầu năm
Xu hướng tăng điểm nhờ dữ liệu kinh tế tích cực, cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt - dấu hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế. Giới đầu tư hy vọng rằng dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,1% so với tháng 11, nhưng vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.