Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ hoang mang vì Moody's, Dow Jones sụt hơn 150 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/8 do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng của Mỹ.

Chỉ số Dow Jones sụt 158,64 điểm khi đóng cửa phiên ngày 8/8. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones sụt 158,64 điểm khi đóng cửa phiên ngày 8/8. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones sụt 158,64 điểm (tương đương 0,45%) xuống còn 35.314,49 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên giao dịch lao dốc tới 465 điểm.

Chỉ số S&P 500 mất 0,42% về mức 4.499,38 điểm, qua đó nâng tổng mức giảm của chỉ số này từ đầu tháng đến nay lên gần 2%. Chỉ số Nasdaq Composite cũng hạ 0,79% xuống 13.884,32 điểm, đưa mức giảm từ đầu tháng 8 lên 3.2%.

Ngày thứ Ba đánh dấu là phiên giảm điểm thứ 5 trong 6 phiên vừa qua của S&P 500 và Nasdaq Composite.

Tâm lý nhà đầu tư trên sàn Phố Wall trở nên bất an hơn sau khi Moody’s công bố báo cáo hạ điểm tín nhiệm của 10 ngân hàng khu vực Mỹ với quy mô từ nhỏ đến trung bình.

Ngoài ra, Moody’s cũng cảnh báo hạ điểm tín nhiệm của 6 ngân hàng lớn của Mỹ, gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street, và Truist Financial. Động thái này của Moody’s khiến nhiều người bất ngờ vì triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đang khả quan.

Trao đổi với Reuters, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial đánh giá, trong dài hạn, hệ thống ngân hàng Mỹ ít có khả năng gặp rắc rối. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lãi suất cao cùng với việc các ngân hàng khu vực cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản thương mại đang phủ bóng lên thị trường cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch, cổ phiếu Goldman Sachs và JPMorgan Chase lần lượt giảm 2,1% và 0,6%.

Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF cũng sụt 1,3%. Chứng chỉ quỹ ETF ngân hàng khu vực lao dốc 28% hồi tháng 3/2023 – thời điểm ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản. Cổ phiếu M&T Bank giảm gần 1,5%.

Ông Jay Hatfield - Giám đốc điều hành của công ty Infrastructure Capital Advisors, nhận định: “Các ngân hàng bắt buộc phải có xếp hạng tín dụng tốt, bởi những nhà băng này cần niềm tin của khách hàng”. 

Theo chuyên gia này, bất kỳ cú sốc niềm tin nào vào hệ thống ngân hàng khu vực cũng đều tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, giới đầu tư Phố Wall cũng quan tâm đến những báo cáo tài chính mới nhất. Cổ phiếu của hãng vận tải UPS mất 0,9% sau khi công bố doanh thu quý II thấp hơn dự kiến và hạ triển vọng doanh thu cả năm. 

Theo FactSet, trong số 89% công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, 4/5 đã vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Chuyên gia Ed Moya của công ty Oanda cho biết, trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, nhà đầu tư đón nhận một loạt thông tin kém tích cực, bao gồm dữ liệu thương mại yếu kém từ Trung Quốc, cùng với việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng đối với 10 ngân hàng của Mỹ.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8 cho thấy giá trị xuất khẩu của nước này tính bằng đồng USD giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, chuyên gia Ed Moya lưu ý, triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu “u ám” khiến giới đầu tư Phố Wall gia tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới.

Ở diễn biến khác, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại. 

“Nếu không có bất kỳ dữ liệu mới đáng báo động nào từ nay đến giữa tháng 9, tôi tin rằng chúng ta có thể tiếp tục giữ lãi suất ổn định để các quyết định chính sách tiền tệ mà Fed đã thực hiện phát huy tác dụng” - ông Harker phát biểu. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.

Theo CME Fedwatch Tool, các nhà giao dịch đang đặt cược 85,5% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách tổ chức cuộc họp vào tháng 9.