Chứng khoán Mỹ lại đỏ sàn chờ báo cáo lạm phát, Nasdaq lao dốc 150 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ  tiếp tục đi xuống trong phiên ngày 9/8, khi giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước khi có báo cáo CPI tháng 7.

Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc hơn 150 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8. Ảnh: CNBC
Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc hơn 150 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8. Ảnh: CNBC

Sàn Phố Wall giảm phiên thứ hai liên tiếp trong tuần này sau khi nhà đầu tư đón nhận một loạt báo cáo kinh doanh đáng thất vọng trước khi có kết quả lạm phát quan trọng. Chỉ số Nasdaq Composite chịu thiệt hại lớn nhất sau cảnh báo của công ty chip Micron Technology.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số S&P 500 sụt 0,42% xuống 4.122,47 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite mất 150,53 điểm, tương đương 1,19%, về mức 12.493,93 điểm, còn chỉ số Dow Jones hạ 58,13 điểm (tương đương 0,18%) xuống còn 32.774,41 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giảm điểm sau khi công ty sản xuất con chip nhớ Micron cảnh báo doanh thu có thể giảm so với dự báo trước đó vì “các yếu tố kinh tế vĩ mô và những hạn chế của chuỗi cung ứng”. Cổ phiếu Micron sụt hơn 3%.

Nhóm cổ phiếu chip chịu áp lực ngay từ đầu tuần. Trước đó, Nvidia cũng dự báo lợi nhuận quý II sẽ giảm, đồng thời thận trọng về triển vọng kinh doanh trong quý III, qua đó tác động tiêu cực lên thị trường, đặc biệt là chỉ số Nasdaq. 

Chỉ số S&P 500 giảm liền 2 phiên từ đầu tuần sau ba tuần lao dốc liên tục trong bối cảnh nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn cảnh báo nhu cầu suy giảm. Giới đầu tư đang theo dõi sát những tác động của quá trình siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Chuyên gia phân tích cấp cao Ed Moya tại OANDA đánh giá: “Nền kinh tế đang chậm lại và lạm phát đang có những tác động mạnh hơn dự báo tới triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ. Chính vì vậy, tôi cho rằng thị trường cổ phiếu sẽ gặp khó trong thời gian tới”.

Ngoài nhóm cổ phiếu chip, một số mã cố phiếu đáng chú ý khác giảm điểm sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan, trong đó có Novavax và Upstart. 

Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 được công bố vào sáng 10/8 (theo giờ Mỹ). Lạm phát được dự báo sẽ hạ nhiệt nhờ vào đà giảm giá xăng. 

Theo Dow Jones, CPI được dự báo sẽ tăng 0,2% so với tháng trước và 8,7% so với cùng kỳ 2021. Con số dự báo thấp hơn so với các mức tăng lần lượt 1,3% và 9,1% ghi nhận trong tháng 6. Nếu không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, CPI có thể tăng 0,5% so với tháng 6 và 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu lạm phát mới này sẽ là thông tin quan trọng để nhà đầu tư dự báo quyết định lãi suất của FED trong cuộc họp ngày 20-21/9.

Một số chuyên gia kỳ vọng báo cáo lạm phát sắp được công bố sẽ giúp thị trường định hình được triển vọng chính sách của FED trong thời gian tới. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng trước kỳ họp tháng 9, FED sẽ nhận được thêm hai báo cáo việc làm và CPI tháng 8. 

Chuyên gia Andy Brenner của National Alliance cho rằng báo cáo CPI có thể là một bước ngoặt đối với thị trường. “Nếu CPI hạ nhiệt theo đúng dự báo, nhiều khả năng FED sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách tiền tệ.Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn ở mức 9%, hoặc cao hơn so với tháng trước, tôi tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất với mức 0.75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 9 tới”.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trước khi công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7.

Trước báo cáo, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm tiếp tục mở rộng, với lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn so với lợi suất kỳ hạn 10 năm. Thực tế là kỳ hạn 2 năm cao hơn có nghĩa là đường cong lợi suất đã bị đảo ngược, và đó đôi khi là tín hiệu của suy thoái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần