Chứng khoán Mỹ lao dốc do e ngại trước bình luận “diều hâu” của Fed

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại trước quan điểm “diều hâu” của một số lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên ngày 16/2. Ảnh: Reuters
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên ngày 16/2. Ảnh: Reuters

Thị trường Phố Wall lao dốc trong ngày 17/2 khi thống kê cho thấy lạm phát cao hơn dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm. Các số liệu này càng củng cố khả năng Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu dài hạn.

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 1,26% xuống còn 33.696,85 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1.38% còn 4.090,41 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,78% về mức 11.855,83 điểm.

Microsoft và Disney giảm lần lượt 2,66% và 3,12%, tác động lớn nhất vào đà đi xuống của Dow Jones. Cổ phiếu Tesla cũng sụt 5,69% sau khi thông báo triệu hồi gần 363.000 xe điện vì phần mềm tự lái có vấn đề.

Các chỉ số chính giảm mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này tăng 0,7% trong tháng 1, vượt xa mức dự báo tăng 0,4% của giới phân tích. Một báo cáo khác từ Bộ này cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần (kết thúc vào ngày 11/2) bất ngờ giảm.

Những dữ liệu mới này được công bố sau khi thị trường tài chính trong tuần này đón nhận các báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo.

Loạt số liệu kinh tế mới nhất phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang trụ vững sau 8 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 của Fed. Vì vậy, ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ mà không cần quá lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Chuyên gia Mike Loewengart – trưởng bộ phận xây dựng danh mục mô hình thuộc ngân hàng đầu tư Morgan Stanley – nhận định với CNBC: “Cả hai báo cáo lạm phát trong tuần này đều cho thấy lạm phát chưa hoàn toàn được kiểm soát và cuộc chiến chống lạm phát chưa thể sớm kết thúc. Đặc biệt, số liệu PPI công bố ngày hôm nay còn cho thấy mức tăng tháng cao nhất kể từ đầu mùa hè tới nay”.

Ông Lowengart lưu ý thêm rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường Phố Wall giảm điểm trong bối cảnh hy vọng về việc Fed nới lỏng chính sách vào những tháng tới phai nhạt dần. Tóm lại, nhà đầu tư cần nhận ra rằng lạm phát có thể sẽ không quay lại mức bình thường nhanh chóng như nhiều người kỳ vọng, do vậy thị trường sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới” - ông nói.

Ngoài ra, phát biểu của một số quan chức Fed cùng ngày càng khiến cho Phố Wall thêm phần lo lắng.

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard nói rằng từng ủng hộ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 31/1-1/2 vừa qua và có thể tiếp tục ủng hộ động thái này trong cuộc họp tháng 3 tới.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cũng tuyên bố ủng hộ tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn. Ông Bullard và bà Mester đều không được biểu quyết trong các cuộc họp quyết định lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed nhưng cả hai đều được tham gia cuộc họp và nêu ý kiến.

Theo giới phân tích, Fed được cho là sẽ đẩy lãi suất chuẩn lên trên mốc 5% vào tháng 5 tới và giữ ở mức này cho đến cuối năm.

Với phiên lao dốc trong ngày 16/2, chỉ số Dow Jones đang tiến tới tuần giảm thứ ba liên tiếp. S&P 500 hiện đi ngang nếu so với đầu tuần, trong khi Nasdaq Composite tăng nhẹ. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 7%, và động lực cho đà tăng điểm này là hy vọng lạm phát hạ nhiệt  sẽ khiến Fed dừng tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm lãi suất trong năm nay.